image banner
Long An: Tiếp tục phát huy thế mạnh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho phát triển công nghiệp thời kỳ 2021-2030
Lượt xem: 103
Trong những năm gần đây, Long An không ngừng phấn đấu, tiếp tục phát huy thế mạnh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho phát triển công nghiệp thời kỳ 2021-2030

Trong những năm gần đây, Long An là địa phương phát triển kinh tế mạnh mẽ nhất vùng ĐBSCL và là tỉnh trong Vùng có thể tiệm cận với sự phát triển của vùng ĐNB, là một trong hai địa phương của vùng ĐBSCL thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Năm 2023, GRDP của tỉnh trên 168 nghìn tỷ đồng, đứng đầu Vùng. Nhiều chỉ tiêu kinh tế khác như ngân sách, thu hút FDI của Long An cũng vượt trội so với các địa phương khác trong Vùng.

Trụ cột cho sự phát triển ấn tượng đó, chính là ngành công nghiệp của Tỉnh, chiếm gần 51% giá trị gia tăng (VA), trong đó ngành chế biến, chế tạo có tỷ trọng gần 95% toàn ngành công nghiệp. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm trung bình 97,0% trong thời kỳ 2011-2020; tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành đạt 14,6%/năm trong cùng thời kỳ.

Trong cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thì giá trị tăng thêm của nhóm các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, dệt, sản xuất trang phục, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, sản xuất sản phẩm từ khoáng vi kim loại khác, sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm kim loại đúc sẵn và sản xuất thiết bị điện chiếm chủ yếu, trung bình đạt 84,5% trong thời kỳ 2011-2020.

Những ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu của Tỉnh trong thời gian qua là giày dép, may mặc, da và các sản phẩm từ da, dệt và sản xuất và chế biến thực phẩm. Trong đó, nếu xét về quy mô lao động, ngành Da của Long An đứng đầu cả nước và ngành Kim loại thượng nguồn đứng thứ hai cả nước.

Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ luôn được địa phương khuyến khích, hỗ trợ thông qua Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tỉnh Long An làm tốt công tác xây dựng cơ chế chính sách triển khai thực hiện chương trình; công tác tuyên truyền, phổ biến và lồng ghép các chương trình và chính sách khác như chính sách khuyến công, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, kết nối cung cầu để hỗ trợ thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đến nay, trên địa bàn có khoảng 170 dự án thuộc danh mục 06 nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển có thế mạnh của tỉnh như: dệt - may, da - giày (khoảng 80 dự án, chiếm tỷ lệ 47%); ngành cơ khí chế tạo (37 dự án, chiếm tỷ lệ trên 21%); còn lại phân bố ở các ngành: điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô và sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao.

Anh-tin-bai

Long An tiếp tục phát huy thế mạnh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Ngày 13 tháng 6 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 686/QĐ-TTg. Với mục tiêu ngành công nghiệp tiếp tục phát triển giữ vị trí chủ lực, có tỷ trọng lớn trong nền kinh tế trên địa bàn tỉnh; tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long vào năm 2025 và không ngừng thu hẹp khoảng cách với các địa phương trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, bằng với nhóm khá trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam vào năm 2030. Tỉnh đã đề ra mục tiêu cụ thể của ngành công nghiệp với tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm đạt 15%/năm giai đoạn 2021-2025, đạt 13%/năm giai đoạn 2026-2030; Tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP chiếm 61% vào năm 2025, chiếm 64% vào năm 2030; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 115%/năm giai đoạn 2021-2025, đạt 108%/năm giai đoạn 2026-2030.

Để thực hiện mục tiêu đó, Long An tiếp tục tận dụng phát huy thế mạnh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho phát triển công nghiệp thời kỳ 2021-2030. Thực hiện đẩy mạnh chuyển từ sản xuất các sản phẩm đem lại giá trị thấp sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Phát triển các sản phẩm mới. Chú trọng thú hút các ngành nghề tạo sự bền vững tăng trưởng lâu dài. Trong đó:

Thứ nhất, Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Chế biến sâu sản phẩm nông thủy sản đóng hộp, nước ép, sấy. Phát triển chế biến và kinh doanh lúa gạo, liên kết hợp tác với các trung tâm lúa gạo trong vùng.

Thứ hai, Tập trung phát triển chuỗi sản xuất công nghiệp sợi - dệt - hoàn tất - may mặc - da giày - phụ kiện thời trang. Chọn lọc đầu tư theo hướng giảm gia công; phát triển khâu thiết kế tạo mẫu, xây dựng quảng bá thương hiệu; khuyến khích đầu tư chiều sâu xử lý hoàn tất hoàn chỉnh sản phẩm phát triển lĩnh vực phụ liệu; tạo liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong ngành; phát triển sản xuất vải, phụ liệu ngành may, giày thể thao, giày vải, giày dép thời trang, ba lô, túi xách.

Thứ ba, Sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn:hình thành các khu sản xuất chuyên ngành hoặc liên kết nhóm ngành; liên kết sản xuất - tiêu thụ với các ngành cơ khí, chế tác, xây dựng, logistics và công nghiệp hỗ trợ có đầu vào là sắt thép; khuyến khích nhà đầu tư tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, không gây ô nhiễm môi trường. Phát triển sản phẩm máy cơ khí phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp cơ khí chính xác cao, v.v.

Thứ tư, Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic: hình thành các khu sản xuất chuyên ngành hoặc liên kết nhóm ngành; liên kết lĩnh vực bao bì, in ấn; phát triển sản phẩm nhựa vật liệu xây dựng, nhựa kỹ thuật, giảm dần nhựa bao bì, nhựa gia dụng.

Thứ năm, Sản xuất hoá chất và sản phẩm hóa chất: tìm kiếm các nguồn tài nguyên mới; phát triển sản phẩm công nghệ sinh học, công nghiệp hóa phẩm, hóa chất bảo vệ môi trường; đẩy mạnh xuất khẩu phân bón, hóa dược, hóa chất tiêu dùng.

Thứ sáu, Chú trọng phát triển sản xuất các sản phẩm điện, điện tử: hình thành các khu sản xuất chuyên ngành hoặc liên kết nhóm ngành; hỗ trợ công nghệ và tiêu chuẩn hóa; đổi mới công nghệ từ lắp ráp giản đơn sang chế tác linh kiện; phát triển ngành sản xuất linh, phụ kiện điện tử, công nghệ thông tin, tin học phần mềm, v.v. Thu hút nhà đầu tư phát triển nhà máy chế tạo vi mạch bán dẫn.

Thứ bảy, Sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu: hình thành các khu sản xuất chuyên ngành; tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thuốc và y tế; xây dựng quảng bá thương hiệu.

Trường Minh
Thông báo
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1