Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 294/QĐ-TTg ngày 09/4/2024, UBND tỉnh Long An ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia trên địa bàn tỉnh Long An.
Kế hoạch đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Hiệp định
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia, các quy định pháp luật liên quan của Việt Nam và Campuchia nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, kinh tế thương mại biên giới thông qua các hoạt động truyền thông trên báo giấy, báo điện tử, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, địa phương.
Thứ 2, Hoạt động thương mại biên giới
Việc mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới chỉ được thực hiện tại các cửa khẩu, lối mở được phép mua bán trao đổi hàng hóa đã được các địa phương hai nước (Long An - Việt Nam, Svây riêng và Prây veng - Campuchia) thống nhất thực hiện.
Hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới không bao gồm hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm dừng xuất khẩu, tạm dừng nhập khẩu theo quy định của mỗi nước.
Hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, thanh toán,.... thực hiện theo quy định của mỗi nước và các thỏa thuận có liên quan của mỗi nước và các điều ước quốc tế mà mỗi nước là thành viên.
Khuyến khích và tạo thuận lợi cho cư dân biên giới hai nước mua bán trao đổi hàng hóa cần thiết cho sản xuất, sinh hoạt.
Thứ 3, Phát triển chợ biên giới
Ưu tiên mời gọi đầu tư phát triển chợ biên giới, dịch vụ logistics tại khu vực biên giới phù hợp với quy hoạch của tỉnh. Tạo thuận lợi cho thương nhân và cư dân biên giới hai nước thực hiện các hoạt động thương mại tại chợ biên giới phù hợp với quy định pháp luật của mỗi nước.
Thứ 4, Thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ thương mại biên giới
Thường xuyên, kịp thời trao đổi thông tin quy định pháp luật về thương mại biên giới của mỗi nước; Thúc đẩy hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông kết nối hai bên biên giới, kết nối khu vực cửa khẩu với các trung tâm đô thị của mỗi tỉnh.
Mời gọi đầu tư phát triển dịch vụ hỗ trợ thương mại biên giới như dịch vụ kho bãi, dịch vụ thủ tục hải quan, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng… trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Xem xét bố trí, xây dựng các khu cách ly kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật xuất, nhập khẩu tại các khu vực cửa khẩu thường xuyên có hoạt động thương mại của thương nhân và cư dân biên giới với hàng hóa là động vật, sản phẩm động vật. Phối hợp thực hiện kịp thời các hoạt động kiểm dịch tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại biên giới.
Tạo thuận lợi cho các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, mua bán, trao đổi hàng hóa giữa hai nước; khuyến khích thương nhân, cư dân biên giới của hai nước Việt Nam và Campuchia tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới;
Khuyến khích thành lập các chi nhánh ngân hàng thương mại hoặc phòng giao dịch tại khu vực biên giới tạo thuân lợi thanh toán thương mại qua biên giới. Tạo thuận lợi cho người, phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu để thực hiện hoạt động thương mại phù hợp với quy định pháp luật mỗi nước.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động thương mại, quản lý hoạt đông thương mại qua biên giới. Tăng cường các hoạt động đối ngoại, kết nghĩa nhằm tăng cường thương mại biên giới và quan hệ giữa nhân dân hai nước.
Thứ 5, Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo an ninh khu vực biên giới
Nắm chắc tình hình địa bàn khu vực biên giới; xây dựng thế trận an ninh nhân dân kết hợp chặt chẽ với quốc phòng toàn dân, đảm bảo an ninh an toàn cho hoạt động thương mại biên giới;
Phối hợp chặt chẽ thực hiện ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới. Phối hợp chặt chẽ, kịp thời giải quyết các vần đề tranh chấp trong hoạt động thương mại biên giới theo đúng quy định pháp luật của mỗi nước và pháp luật quốc tế.
Kịp thời đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới; Xử lý nghiêm các đối tượng gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa 2 nước.
UBND tỉnh giao Sở Công Thương là cơ quan đầu mối trong việc triển khai thực hiện kế hoạch; đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo chất lượng và tiến độ. Tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương và UBND tỉnh về tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch khi có yêu cầu./.