Định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Long An đến năm 2020
Công nghiệp hỗ trợ là các ngành sản xuất vật liệu, phụ tùng,
linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho các ngành công nghiệp sản xuất, lắp
ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng. Công
nghiệp hỗ trợ là động lực chính và là nền tảng cho phát triển bền vững các
ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam.
Dây chuyền sơn tĩnh điện của Công ty TNHH SXTM Bảo Bảo
ở Bến Lức, Long An.
Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Long An đã hình thành và có xu hướng tăng trưởng nhanh trong thời gian gần đây, chủ yếu là các sản phẩm hỗ trợ trong các ngành dệt - may, da - giày, cơ khí chế tạo, bao bì - in, nhựa. Các mặt hàng khá đa dạng đã góp phần làm tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và tạo nền tảng ban đầu cho bước phát triển ở qui mô và trình độ cao hơn. Công nghiệp hỗ trợ tỉnh Long An cũng đã thu hút được vốn đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia vào hoạt động sản xuất. Một số nhà máy thuộc dạng công nghiệp hỗ trợ đã được xây dựng gần với nhà máy chính nhằm dễ dàng cung ứng sản phẩm, tạo nền tảng bước đầu cho việc hệ thống hóa sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Các khu/cụm công nghiệp được xây dựng tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư, đặc biệt là với đầu tư nước ngoài, dẫn đến việc tái phân công các cơ sở trong hệ thống sản xuất thượng nguồn – hạ nguồn, trong đó vai trò của công nghiệp dần dần hỗ trợ rõ nét và đồng bộ hơn, là tiền đề để hình thành một số khu/cụm công nghiệp chuyên về công nghiệp hỗ trợ.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mặt hạn chế như: Về giá trị sản xuất, công nghiệp hỗ trợ chỉ ở mức trung bình trong cơ cấu kinh tế công nghiệp của tỉnh; phần lớn các cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ là các doanh nghiệp có qui mô nhỏ, phát triển một cách tự lập, khả năng tích lũy để tái đầu tư thấp, còn thụ động về thị trường, chất lượng sản phẩm chưa cao, nhiều chi phí trung gian, năng lực cạnh tranh của sản phẩm còn thấp hơn sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực. Chưa thu hút được nhiều công ty mẹ và các doanh nghiệp vệ tinh của công nghiệp hỗ trợ nên chỉ mới sản xuất được một số sản phẩm giản đơn, chất lượng chưa cao, trong khi đó các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật cao chưa phát triển. Chưa hình thành được khu/cụm công nghiệp riêng cho ngành công nghiệp hỗ trợ (chỉ có Khu công nghiệp Long Hậu quy hoạch 01 phân khu chuyên công nghiệp hỗ trợ). Vấn đề môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp hỗ trợ tuy có được quan tâm cải thiện nhưng chưa hoàn chỉnh, đang phát sinh một số vấn đề ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của nhân dân và môi trường sống. Trình độ quản lý, trình độ kỹ thuật của lao động còn nhiều hạn chế và thiếu lao động có trình độ cao cho các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật cao….
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, định hướng chiến lược phát triển công nghiệp tỉnh Long An là: Phát triển công nghiệp bền vững, có khả năng tác động đến các ngành nông nghiệp, dịch vụ và trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, xanh và sạch. Với mục tiêu đến năm 2020, khu vực công nghiệp - xây dựng (KV II) chiếm tỷ trọng 45% trong cơ cấu kinh tế tỉnh, đồng thời với những mục tiêu lớn về hàm lượng công nghệ, hội nhập quốc tế, cạnh tranh và nhất là thu hút đầu tư nước ngoài vào khu vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải tập trung thu hút đầu tư phát triển mạnh Công nghiệp hỗ trợ.
Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Long An phê duyệt kèm theo Quyết định số 3533/QĐ-UBND ngày 10/10/2013.
Quan điểm phát triển chủ đạo
Công nghiệp hỗ trợ là một trong các khâu đột phá nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững công nghiệp tỉnh Long An theo hướng nâng cao trình độ công nghệ, tính cạnh tranh và hiệu quả trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với xu thế hội nhập, liên kết phân công sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp và gắn liền với phân công của Trung ương trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Nghiên cứu và chọn lựa các ngành, lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh Long An, có công nghệ tiên tiến, tính cạnh tranh cao trong phạm vi vùng, cả nước và tiến đến phạm vi quốc tế; gắn liền với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa, phát triển năng lực công nghiệp xuất khẩu và phấn đấu từng bước trở thành một bộ phận trong dây chuyền sản xuất quốc tế. Phát huy tối đa tính đa dụng của các sản phẩm – mặt hàng, nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh, góp phần giảm nhập nguyên liệu, tăng cường khả năng sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ.
Phát huy tối đa năng lực đầu tư của các thành phần kinh tế, đặc biệt là các đối tác chiến lược, các công ty, tập đoàn đa quốc gia trong thế liên kết sản xuất - kinh doanh giữa công nghiệp thượng nguồn - công nghiệp hỗ trợ - công nghiệp hạ nguồn và mối liên kết giữa công ty mẹ với các lớp công ty con vệ tinh; tập trung thu hút các nhà đầu tư nước ngoài về công nghiệp hỗ trợ sau năm 2020 nhằm đa dạng hóa các lĩnh vực công nghệ cao.
Hợp tác liên kết chặt chẽ và phân công phát triển hợp lý giữa Long An và các tỉnh, thành phố lân cận, đặc biệt là TPHCM. Gia tăng nhanh hàm lượng công nghệ, giảm tối đa phát thải nhằm xác lập nền tảng công nghiệp sạch và xanh, thực hiện chủ trương "Không tiếp nhận các dự án đầu tư công nghệ lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao", nâng cao trình độ người lao động và tổ chức quản lý sản xuất, liên kết hợp tác phát triển.
Mục tiêu chung
Phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp chính phát triển bền vững, sử dụng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, có khả năng xuất khẩu, hướng đến hình thành trung tâm nguyên phụ liệu ngành dệt may cho cả vùng và hình thành hệ thống công ty mẹ và các lớp công ty con, cùng phối hợp sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả trong chuỗi phát triển công nghiệp thượng nguồn - công nghiệp hỗ trợ - công nghiệp hạ nguồn.
Đến năm 2020, tỉnh Long An sẽ trở thành một trong các địa phương có thế mạnh hàng đầu về phát triển công nghiệp hỗ trợ so với vùng đồng bằng sông Cửu Long và đến năm 2030 phấn đấu tiếp cận mặt bằng chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát triển được các doanh nghiệp hỗ trợ đóng vai trò đầu tàu, có khả năng cung cấp những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ quy mô lớn ra thị trường trong nước và nước ngoài, đồng thời thu hút đầu tư phát triển một số công ty mẹ với các lớp doanh nghiệp vệ tinh hợp lý.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
(1) Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm từ 15 – 17%/năm trong giai đoạn 2016 – 2020;
(2) Công nghiệp hỗ trợ chiếm trên 21% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành; nhờ vào hiệu quả sản xuất và tỷ lệ giá trị gia tăng trên giá trị sản xuất khá cao nên giá trị tăng thêm chiếm tỷ trọng gần 30%;
(3) Tỷ lệ đầu tư thêm trên giá trị gia tăng trong khoảng 30%, tỷ lệ giá trị gia tăng trên giá trị sản xuất năm 2020 chiếm 37%;
(4) Phấn đấu nâng giá trị tăng thêm trên lao động công nghiệp năm 2020 đạt mức 355 triệu đồng (tương đương 14.200 USD);
(5) Phấn đấu năm 2020 đạt trên 80% lao động công nghiệp qua đào tạo và 15 – 20% lao động trình độ cao;
(6) Tốc độ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và trang thiết bị tăng trưởng 18 – 20%/năm;
(7) Dự kiến sẽ phát triển 03 khu/cụm công nghiệp hoặc phân khu tại các huyện Đức Hòa, Bến Lức và Cần Giuộc; đến năm 2020 trong điều kiện thu hút đầu tư thuận lợi mở thêm các khu/cụm công nghiệp và phân khu chuyên về công nghiệp hỗ trợ với tổng diện tích đất quy hoạch đạt khoảng 2.000 ha và nằm trong quy hoạch các khu/cụm công nghiệp đã được phê duyệt; phấn đấu xây dựng hoàn tất hạ tầng và lấp đầy 60%; đến năm 2020 giá trị tăng thêm công nghiệp/ha đất khu/cụm công nghiệp đạt khoảng 25 tỷ đồng (theo giá hiện hành).
Mục tiêu đối với 6 nhóm ngành, lĩnh vực chủ yếu đến năm 2020
1) Ngành dệt - may: Tăng trưởng gần 16%/năm, chiếm tỷ trọng gần 10% trong giá trị tăng thêm công nghiệp hỗ trợ. Hình thành trung tâm nguyên phụ liệu cấp vùng và cấp quốc gia, phát triển các công nghệ sản xuất, xử lý, gia công về sợi, dệt.
2) Ngành da - giày: Tăng trưởng gần 16%/năm, chiếm tỷ trọng gần 7% trong giá trị tăng thêm công nghiệp hỗ trợ. Hình thành, hoàn thiện và hoạt động hiệu quả hệ thống công nghiệp hỗ trợ bao gồm ít nhất 01 công ty mẹ và các lớp công ty vệ tinh cung ứng nguyên phụ liệu.
3) Ngành cơ khí chế tạo: Tăng trưởng 17%/năm, chiếm tỷ trọng trên 40% trong giá trị tăng thêm công nghiệp hỗ trợ, phát triển đa dạng các mặt hàng với công nghệ gia tăng. Phấn đấu đến năm 2020 hình thành, hoàn thiện và hoạt động hiệu quả hệ thống công nghiệp hỗ trợ, trong đó thu hút đầu tư ít nhất 01 công ty mẹ chuyên về cơ khí chế tạo phục vụ và các lớp công ty vệ tinh cung ứng nguyên phụ liệu trong và ngoài tỉnh.
4) Lĩnh vực bao bì – in: Tăng trưởng 15%/năm, chiếm tỷ trọng gần 16% trong giá trị tăng thêm công nghiệp hỗ trợ. Phát triển hệ thống công nghiệp hỗ trợ, trong đó chủ lực là bao bì và các công nghệ hỗ trợ (mẫu mã, in…).
5) Lĩnh vực nhựa: Tăng trưởng từ 11 - 12%/năm, chiếm tỷ trọng trên 11% trong giá trị tăng thêm công nghiệp hỗ trợ. Phát triển đa dạng các sản phẩm, mẫu mã, trong đó chủ lực là bao bì và các công nghệ hỗ trợ (mẫu mã, in…); phấn đấu đến năm 2020 phát triển tương đối vững chắc lĩnh vực linh kiện nhựa cao cấp.
6) Ngành điện tử - tin học: Tăng trưởng 18%/năm, chiếm tỷ trọng trên 17% trong giá trị tăng thêm công nghiệp hỗ trợ. Phấn đấu đến năm 2020 thu hút đầu tư hình thành 02 nhà máy chuyên sản xuất linh kiện.
Định hướng phát triển đến năm 2020
Phấn đấu có ít nhất 03 khu/cụm công nghiệp hoặc phân khu định hướng phát triển chuyên công nghiệp hỗ trợ. Xúc tiến thu hút đầu tư và liên kết hợp tác sản xuất với các doanh nghiệp hỗ trợ trong và ngoài địa bàn. Đẩy mạnh việc đổi mới công nghệ, tổ chức thị trường, tiêu chuẩn hóa hệ thống quản lý chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả của sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm trong hệ thống công nghiệp hỗ trợ. Tập trung vào các lĩnh vực hỗ trợ đổi mới trang thiết bị và công nghệ cho các cơ sở sản xuất; phổ biến các thông tin về khoa học, kỹ thuật và thị trường; phát triển mạnh các dịch vụ tư vấn, thẩm định, cải tiến thích nghi và triển khai các công nghệ mới. Xây dựng và quảng bá các thương hiệu mạnh về công nghiệp hỗ trợ. Xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách và cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút đầu tư từ các công ty mẹ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyên về công nghiệp hỗ trợ, trong đó chú trọng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các dự án phát triển tổng hợp.
Định hướng phát triển đối với từng ngành, lĩnh vực cụ thể
1) Ngành dệt - may: Phát triển sản xuất các loại vải cho may xuất khẩu và vải dệt để sản xuất giày dép xuất khẩu; một số loại hóa chất như hồ dệt… Chú trọng phát triển sản xuất các loại phụ liệu may.
2) Ngành da – giày: Tập trung đầu tư nâng cao công nghệ, phát triển mẫu mã cho các doanh nghiệp chuyên phụ liệu; phối hợp với ngành nhựa đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm.
3) Ngành cơ khí chế tạo: Tăng cường đầu tư chiều sâu tại các cơ sở cơ khí chế tạo hiện có. Thu hút đầu tư nước ngoài và các lĩnh vực cơ khí chế tạo phục vụ đóng tàu, logistic, chế tạo phụ tùng cho thiết bị đồng bộ, ô tô – xe máy, hàng gia dụng và chuyên dùng, máy công cụ chế biến….; trong đó tập trung vào các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao và vào những khâu công nghệ đúc, rèn, tạo phôi lớn, nhiệt luyện, xử lý bề mặt kim loại, xử lý chi tiết quy chuẩn chất lượng cao.
4) Lĩnh vực bao bì – in: Tập trung đầu tư nâng cao công nghệ, đa dạng hóa mẫu mã cho các doanh nghiệp chuyên sản xuất các phụ liệu có nguồn gốc từ giấy; chú trọng phát triển công nghệ và mẫu mã bao bì giấy các loại. Thu hút đầu tư phát triển các lĩnh vực in mã vạch, chế tạo mực in chuyên dùng, sản xuất màng, đóng pallet, cung cấp bao bì cho công nghệ phẩm và nông sản phẩm.
5) Lĩnh vực nhựa: Hỗ trợ nâng cao công nghệ, cải tiến thiết bị và mẫu mã cho các doanh nghiệp hiện có; chú trọng phát triển lĩnh vực bao bì nhựa kết hợp với in. Tập trung thu hút đầu tư phát triển các doanh nghiệp chuyên sản xuất các linh kiện nhựa cao cấp phục vụ công nghiệp cơ khí lắp ráp, điện – điện tử.
6) Ngành điện tử - tin học: Giai đoạn đầu thu hút đầu tư các cơ sở lắp ráp gia công về điện – điện tử, từng bước nâng cao độ phức tạp của sản phẩm lắp ráp. Giai đoạn sau tăng cường thu hút vốn đầu tư và công nghệ mới của các công ty, tập đoàn đa quốc gia trong việc phát triển sản xuất linh kiện, phụ kiện điện – điện tử./.
Bài và ảnh: Thái Chuyên