Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt ban hành theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm 2015.
Mục tiêu phát triển
Phát triển mạng lưới trung tâm logistics bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu của sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu. Khai thác có hiệu quả thị trường dịch vụ logistics của Việt Nam, trong đó tập trung vào các dịch vụ logistics thuê ngoài, tích hợp trọn gói và đồng bộ, tổ chức và hoạt động theo mô hình logistics bên thứ 3 (3 PL) nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển thông qua việc tối thiểu hóa chi phí và bổ sung giá trị gia tăng cho hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp. Từng bước triển khai mô hình logistics bên thứ 4 (4 PL) và logistics bên thứ 5 (5 PL) trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.
Phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 24 – 25%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GDP toàn nền kinh tế là 10%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 40%, giảm thiểu chi phí logistics của toàn nền kinh tế so với GDP còn khoảng 20%. Đến năm 2030, các chỉ tiêu này lần lượt là 34 – 35%/năm, 15%, 65%/năm và 15 – 17%/năm.
Về định hướng phát triển
1. Phát triển các trung tâm logistics hạng I cấp quốc gia và quốc tế, có vị trí và vai trò là trung tâm gốc. Từ các trung tâm gốc này, phát triển theo hình rẻ quạt là các trung tâm logistics hạng II cấp vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế; bám sát và hỗ trợ lưu thông hàng hóa từ sản xuất, nhập khẩu đến tiêu dùng, xuất khẩu của các vùng, tiểu vùng và trên các hành lang kinh tế; kết nối với hệ thống cảng biển, cảng cạn, cảng hàng không, ga đường sắt, mạng lưới giao thông đường bộ, các cửa khẩu quốc gia, cửa khẩu quốc tế và khu kinh tế cửa khẩu, các khu công nghiệp, khu sản xuất hàng hóa tập trung…
2. Hình thành và phát triển các trung tâm logistics chuyên dụng, trước mắt là trung tâm logistics chuyên dụng hàng không gắn liền với các cảng hàng không, kết nối cùng với các trung tâm logistics hạng I và hạng II để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hoặc trung chuyển hàng hóa qua các loại hình vận tải đa phương thức, phục vụ cho đầu vào và đầu ra của sản xuất công nghiệp tại các khu công nghiệp, trung tâm công nghệ cao, vùng sản xuất tập trung qui mô lớn.
Phương án quy hoạch
Phân theo 3 miền; trong đó đối với khu vực miền Nam, hình thành và phát triển 05 trung tâm logistics hạng I, hạng II và 01 trung tâm logistics chuyên dụng hàng không tại địa bàn các vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế.
1. Vùng Đông Nam bộ:
- Khu vực thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận:
Có 02 trung tâm logistics hạng II (phía Bắc và phía Nam thành phố), qui mô mỗi trung tâm giai đoạn đến năm 2020 tối thiểu là 40 ha và giai đoạn đến năm 2030 là trên 70 ha, phạm vi hoạt động chủ yếu gồm thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận phía Bắc và phía Nam thành phố; kết nối với các cảng cạn, cảng biển (cụm cảng Sài Gòn, cụm cảng Bà Rịa - Vũng Tàu), nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp….
Có 01 trung tâm logistics chuyên dụng hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất – Long Thành hoặc có đường giao thông thuận tiện kết nối trực tiếp đến cảng hàng không với qui mô tối thiểu 3 – 4 ha (giai đoạn I) và 7 – 8 ha (giai đoạn II).
- Tiểu vùng kinh tế các tỉnh Đông Bắc thành phố Hồ Chí Minh:
Có 01 Trung tâm hạng I có qui mô tối thiểu 60 ha đến năm 2020 và trên 100 ha đến năm 2030; phạm vi hoạt động chủ yếu bao gồm các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đắk Nông và Lâm Đồng; kết nối với các cảng cạn, cảng biển (cụm cảng Sài Gòn, cụm cảng Bà Rịa – Vũng Tàu, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp, các cửa khẩu (thuộc các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Đắk Nông).
- Tiểu vùng kinh tế các tỉnh Tây Nam thành phố Hồ Chí Minh:
Có 01 Trung tâm logistics hạng II có qui mô tối thiểu 20 ha đến năm 2020 và trên 50 ha đến năm 2030; phạm vi hoạt động chủ yếu gồm các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Bến Tre; kết nối với các cảng cạn, cảng biển (cụm cảng Sài Gòn, cụm cảng Bà Rịa – Vũng Tàu, Mỹ Tho), cảng hàng không, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp, các cửa khẩu (thuộc tỉnh Long An, Đồng Tháp).
- Tiểu vùng trung tâm đồng bằng sông Cửu Long:
Có 01 Trun g tâm logistics hạng II có qui mô tối thiểu 30 ha đến năm 2020 và trên 70 ha đến năm 2030; phạm vi hoạt động chủ yếu gồm các tỉnh và thành phố Cần Thơ, Trà Vinh, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và An Giang; kết nối với các cảng cạn, bến sông (Cần Thơ, Mỹ Thới), cảng hàng không, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp, các cửa khẩu (thuộc các tỉnh Kiên Giang, An Giang).
Lựa chọn các dự án ưu tiên đầu tư
Danh mục các dự án Trung tâm logistics ưu tiên đầu tư đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định phê duyệt bao gồm:
STT | Tên dự án | Hạng | Diện tích mặt bằng |
1 | Trung tâm logistics Bắc Hà Nội | I | 20 – 30 ha |
2 | Trung tâm logistics trên hành lang kinh tế ven biển Đông Bắc Bắc bộ | II | 20 ha |
3 | Trung tâm logistics khu vực TP Đà Nẵng | I | 30 – 40 ha |
4 | Trung tâm logistics trên hành lang kinh tế đường 19 và duyên hải Nam Trung bộ | II | 20 ha |
5 | Trung tâm logistics tiểu vùng kinh tế các tỉnh Đông Bắc TPHCM (vùng Đông Nam bộ) | I | 60 – 70 ha |
6 | Trung tâm logistics tiểu vùng kinh tế trung tâm đồng bằng sông Cửu Long | II | 30 ha |
7 | Trung tâm logistics hàng không thuộc vùng đồng bằng sông Hồng (gắn với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài | Chuyên dụng | 5 – 7 ha |
Thái Chuyên