image banner
Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035
Lượt xem: 146

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, đối với tỉnh Long An có 3 chợ nằm trong Danh mục địa điểm quy hoạch xây mới chợ hạng I (Phụ lục số 8) bao gồm: (1) Chợ Kiến Tường (Phường 1, thị xã Kiến Tường) đầu tư giai đoạn 2015 - 2020; (2) Chợ Thị trấn Bến Lức đầu tư giai đoạn 2021 - 2025; (3) Chợ Bàu Trai (Thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa) đầu tư giai đoạn 2021- 2025. Ngoài ra, Chợ Tân An (Phường 1, thành phố Tân An)  nằm trong Danh mục chợ hạng I hiện có giữ nguyên trong Quy hoạch (Phụ lục số 5).

          Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vừa ban hành Quyết định số 6481/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2015 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. 

Mục tiêu

          Mục tiêu tổng quát: Phát triển mạng lưới chợ đồng bộ, hài hòa, đáp ứng nhu cầu hàng hóa nông sản cho sản xuất, chế biến và nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của nhân dân, qua đó thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và ổn định đời sống nhân dân.

          Mục tiêu cụ thể:

          - Đến năm 2025: Cải tạo, nâng cấp mở rộng các chợ đầu mối và chợ hạng I hiện có đang hoạt động hiệu quả theo đúng các tiêu chí, bảo đảm phát huy đầy đủ công năng và nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của chợ. Đầu tư xây dụng mới các chợ đầu mối và chợ hạng I ở những nơi có nhu cầu cần thiết và đáp ứng tiêu chí quy hoạch, từng bước phát triển chợ đầu mối phù hợp với chu trình vận động lưu thông hàng hóa. Mạng lưới chợ đầu mối tiêu thụ phần lớn hàng hóa nông sản do nông dân sản xuất, đồng thời bảo đảm nguồn cung cấp hàng hóa nông sản cho mạng lưới bán lẻ trên địa bàn. Mạng lưới chợ hạng I cơ bản đáp ứng nhu cầu mua bán hàng hóa tiêu dùng thông thường trong đời sống hàng ngày của người dân, đồng thời thực hiện vai trò chi phối đối với các chợ hạng II và hạng III, bình ổn thị trường bán lẻ trên địa bàn.

          - Tầm nhìn đến năm 2035: Phát triển mạng lưới chợ đầu mối và mạng lưới chợ hạng I trên phạm vi toàn quốc đủ về số lượng, phù hợp về công năng, quy mô và trình độ phát triển so với nhu cầu của thị trường bán buôn hàng nông sản và thị trường bán lẻ hàng tiêu dùng, trở thành 2 nhân tố chính trong kết cấu hạ tầng chợ. Trên từng địa bàn, chợ đầu mối bảo đảm phần lớn hàng hóa nông sản được tiêu thụ và cung cấp cho mạng lưới bán lẻ; chợ hạng I về cơ bản bảo đảm chi phối đối với thị trường bán lẻ hàng tiêu dùng.

Định hướng phát triển

          1. Định hướng tổng quát: Phát triển đồng bộ mạng lưới chợ trên toàn quốc với qui mô, cơ cấu, tính chất và công năng phù hợp với nhu cầu lưu thông hàng hóa và thị trường từng địa bàn, vùng lãnh thổ. Trong đó, chú trọng phát triển bền vững mạng lưới chợ cung ứng hàng hóa nông sản thực phẩm cho thị trường khu vực đô thị và mạng lưới chợ cung ứng hàng công nghiệp tiêu dùng thông thường cho thị trường nông thôn. Kết hợp xây dựng kiên cố với trang thiết bị đầy đủ, từng bước hiện đại với nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ và đổi mới tổ chức bộ máy quản trị chợ.

          2. Định hướng phát triển chợ theo địa bàn

          - Địa bàn nông thôn: Phát triển mạng lưới chợ dân sinh hạng III cấp xã, phù hợp nhu cầu trao đổi  mua bán hàng hóa của người dân; phát triển tại mỗi huyện tối thiểu một chợ trung tâm huyện (hạng I và hạng II) vừa bán buôn vừa bán lẻ, trong đó bán lẻ là chủ yếu, phục vụ nhu cầu tại chỗ và nhu cầu chung trên địa bàn huyện.

          - Địa bàn đô thị: Phát triển có chọn lọc mạng lưới chợ dân sinh hạng III cấp phường theo hướng văn minh, hiện đại, chú trọng ở những khu đô thị và khu cư dân tập trung mới hình thành; tập trung phát triển mạng lưới chợ tổng hợp hạng I ở khu vực trung tâm và chợ đầu mối bán buôn ở ngoại vi các thị xã, thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu tại chỗ của các thị trường lớn, trọng điểm và bảo đảm sự ổn định chung của thị trường vùng, cả nước.

          3. Định hướng phát triển mạng lưới chợ đầu mối:

          Phát triển mạng lưới chợ đầu mối tại các vùng sản xuất nông sản thực phẩm tập trung, có tính chuyên canh, quy mô lớn và ổn định, là nơi hội tụ, tập kết hàng hóa và khởi đầu cho lưu thông hàng hóa tại vùng ngoại vi các thành phố, thị xã (đô thị loại  III trở lên) để cung ứng phát luồng hàng hóa cho mạng lưới bán lẻ (chủ yếu là chợ dân sinh hạng III) ở khu vực nội thị. Tùy theo đặc điểm nguồn hàng có thể phát triển chợ đầu mối bán buôn đa ngành nông sản thực phẩm hoặc các chợ đầu mối bán buôn chuyên ngành như rau củ quả, thủy hải sản, thậm chí chuyên sâu hơn như chợ trái cây, chợ rau củ, chợ hoa, chợ cá, chợ gia cầm, chợ trâu bò… Chợ đầu mối có phạm vi ảnh hưởng tối thiểu là trong địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong điều kiện và bối cảnh từ nay đến năm 2025 và giai đoạn đến năm 2035, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (ngoại trừ Hà Nội và TPHCM), có thể phát triển một chợ đầu mối ở ngoại vi đô thị trung tâm hoặc một chợ đầu mối ở vùng nông sản hàng hóa tập trung của địa phương. Căn cứ vào nhu cầu và khả năng thực tế trong từng giai đoạn để lựa chọn nâng cấp một số chợ đầu mối thành các chợ đấu giá hoặc sàn giao dịch hàng hóa nông sản, đặc biệt là ở các địa phương thuộc vùng cung ứng tập trung về hải sản, trái cây, rau củ.

          4. Định hướng phát triển mạng lưới chợ hạng I:

          Phát triển mạng lưới chợ hạng I tại trung tâm các quận, huyện, thị xã, thành phố (đô thị loại IV trở lên) để vừa đáp ứng nhu cầu về hàng tiêu dùng thông thường của người dân và khách du lịch, vừa làm hạt nhân chi phối, chủ đạo đối với mạng lưới chợ dân sinh bán lẻ trên địa bàn. Dựa trên nhu cầu tiêu dùng của khách hàng tại chỗ và khách du lịch, phát triển tại mỗi một đô thị tối thiểu một chợ hạng I. Phát huy và bảo tồn tập quán trao đổi mua bán hàng hóa và các giá trị truyền thống của chợ để quyết định địa điểm và phương án thiết kế kiến trúc, tổ chức không gian chợ hạng I bảo đảm phù hợp với công năng, nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời hài hòa với các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại, văn minh (siêu thị, trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi) ở khu vực xung quanh.

          Củng cố và hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Ban quản lý / Ban quản trị chợ hạng I, đặc biệt là đổi mới và hoàn thiện chế độ thu – chi tài chính của ban quản lý chợ và chế độ lao động tiền lương của CBCNV Ban quản lý. Lựa chọn để từng bước chuyển đổi mô hình Ban quản lý thành mô hình công ty kinh doanh chợ, trước hết là ở những chợ hạng I đã hội tụ đủ các điều kiện chuyển đổi. Đối với các dự án đầu tư xây dựng theo mô hình nhất thể hóa chợ hạng I với trung tâm mua sắm / trung tâm thương mại, nguyên tắc là chợ vẫn phải đáp ứng đầy đủ các công năng, không làm mất đi hoặc thay đổi các giá trị cốt lõi của chợ, bảo đảm lợi ích của người kinh doanh trong chợ, tạo thêm khả năng đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân.

          5. Định hướng phát triển mạng lưới chợ hạng II, III:

          Phát triển các chợ hạng II (chủ yếu bán lẻ) tại những thị trường tập trung qui mô vừa và nhỏ, trong đó trọng yếu là mạng lưới chợ trung tâm huyện. Mỗi huyện tối thiểu có một chợ hạng II, vừa đáp ứng nhu cầu của người dân tại chỗ, vừa chi phối thị trường bán lẻ cấp xã  trên địa bàn, vừa là nơi trung chuyển hàng hóa của chợ hạng I. Phát triển rộng mạng lưới chợ dân sinh bán lẻ hạng III cấp xã để phục vụ nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa cho sản xuất và đời sống hàng ngày của người dân. Bố trí chợ gần các cụm dân cư tập trung ở nông thôn hoặc gần các khu công nghiệp để phục vụ công nhân.

Đối với địa bàn phường, cần chọn lọc và thiết kế mạng lưới chợ theo hướng văn minh, hiện đại, hài hòa với quy hoạch các cơ sở bán lẻ hiện đại (siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi), hạn chế phát triển mới, chỉ quy hoạch xây mới chợ tại những khu vực có nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa tương đối lớn và ổn định, đáp ứng đủ các tiêu chí quy hoạch về diện tích mặt bằng và đảm bảo các quy định hiện hành về an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.

Tiêu chí quy hoạch chợ đầu mối

- Về vị trí (địa điểm): gần vùng nông sản hàng hóa tập trung, ổn định với qui mô lớn hoặc gần trung tâm tiêu dùng, ngoại vi các đô thị lớn; gần đầu mối giao thông, kết nối thuận tiện với mạng lưới đường bộ, đường sông hoặc đường sắt; đảm bảo các quy định hiện hành về an ninh quốc phòng, trật tự an toàn giao thông và không gây tác động xấu tới môi trường.

- Về qui mô (diện tích): Diện tích mặt bằng nền chợ tối thiểu là 8.000 m2 (đối với chợ cải tạo, nâng cấp đạt chuẩn chợ đầu mối) và tối thiểu 10.000 m2 (đối với chợ đầu mối xây mới) không kể diện tích dành cho khuôn viên, đường đi, bãi đỗ xe và các công trình phụ trợ khác.

- Về thiết kế kiến trúc và tổ chức không gian: Kiến trúc xây lắp và kết cấu không gian phù hợp, thích hợp với tính chất và công năng của chợ đầu mối bán buôn nông sản thực phẩm; trong đó bảo đảm có phân khu chức năng trọng yếu như khu giao dịch dành cho thương nhân bán buôn; khu giao dịch dành cho người sản xuất đưa hàng vào chợ bán; khu sơ chế, bao gói hàng hóa; khu tạm trữ và các khu dịch vụ phụ trợ khác.

- Về yêu cầu kỹ thuật: Bảo đảm có đủ cơ sở vật chất và kỹ thuật để thực thi các nhiệm vụ về phòng cháy, chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định của pháp luật.

Tiêu chí quy hoạch chợ hạng I

- Về vị trí (địa điểm): tại trung tâm kinh tế - thương mại của các thị trấn, thị xã, thành phố tương đương đô thị loại V trở lên, trung tâm kinh tế - thương mại của các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; có khả năng kết nối và sử dụng thuận tiện mạng lưới giao thông đến các chợ vừa và nhỏ trong nội thị và đến các chợ khu vực, chợ vùng khác của địa phương; đảm bảo các quy định hiện hành về an ninh quốc phòng, trật tự an toàn giao thông và không gây tác động xấu tới môi trường, môi sinh.

- Về qui mô (diện tích): Diện tích mặt bằng nền chợ tối thiểu là 6.000 m2 (đối với chợ cải tạo, nâng cấp đạt chuẩn chợ hạng I) và tối thiểu 8.000 m2 (đối với chợ hạng I chợ mới) không kể diện tích dành cho khuôn viên, đường đi, bãi đỗ xe và các công trình phụ trợ khác, được đầu tư xây dựng kiên cố, hiện đại với số điểm và hộ kinh doanh chuyên nghiệp, thường xuyên trong chợ tối thiểu trên 400 điểm kinh doanh.

- Về thiết kế kiến trúc và tổ chức không gian: Kiến trúc xây lắp và kết cấu không gian phù hợp, thích hợp với tính chất và công năng của chợ hạng I; trong đó bảo đảm có phân khu chức năng trọng yếu như khu bán buôn, bán lẻ, khu giao dịch trực tiếp giữa người sản xuất với người tiêu dùng và các khu dịch vụ phụ trợ khác.

- Về yêu cầu kỹ thuật: Bảo đảm có đầy đủ, đồng bộ các phương tiện, vật tư kỹ thuật, trang thiết bị và công trình xây lắp theo quy định hiện hành về phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ hạng II, III   

          Quán triệt các định hướng phát triển trong Quy hoạch này, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lập và phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ của địa phương, gồm mạng lưới chợ hạng II (chủ yếu là chợ trung tâm huyện) và mạng lưới chợ dân sinh hạng III (xã, phường) trên cơ sở cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển thương mại của địa phương và phù hợp với các quy hoạch có liên quan.

Một số giải pháp chủ yếu

          Nội dung Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đề ra 6 nhóm giải pháp chủ yếu bao gồm: (i) Giải pháp về vốn đầu tư xây dựng chợ; (ii) Giải pháp về đất đai; (iii) Giải pháp phát triển thương nhân kinh doanh trong chợ; (iv) Phát triển dịch vụ trong chợ; (v) Giải pháp về tổ chức quản lý chợ; (vi) Giải pháp về cơ chế, chính sách phát triển chợ./.

Thái Chuyên​

Thông báo
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1