Kế hoạch Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 12/5/2021, Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 25/5/2021 của Bộ Công Thương về đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp
Sở Công Thương ban hành Kế hoạch Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 12/5/2021, Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 25/5/2021 của Bộ Công Thương về đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp
Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 12/5/2021 của Bộ Công Thương và chỉ đạo của UBND tỉnh tại công văn số 5131/UBND-KTTC ngày 04/6/2021 về việc thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp;
Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 25/5/2021 của Bộ Công Thương về tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước các sản phẩm nông sản của địa phương có sản lượng nông sản lớn, sản xuất tập trung trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp;
Sở Công Thương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH
- Đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
- Hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản có sản lượng nông sản lớn, sản xuất tập trung trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
II. NHIỆM VỤ CHUNG
1. Triển khai Phương án 1432/PA-SCT ngày 01/6/2021 về việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa và một số hoạt động cần thiết phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong vùng cách ly y tế ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
2. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai việc dự trữ hàng hóa, bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường theo các cấp độ diễn biến của dịch Covid-19.
3. Theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu để chủ động đề xuất biện pháp bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
4. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, tìm kiếm mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, phục hồi kinh doanh sau dịch Covid-19.
5. Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch; ưu tiên sơ chế, chế biến, bảo quản, dự trữ (đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh).
6. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, phục vụ người tiêu dùng trong điều kiện bình thường hay giãn cách, cách ly xã hội.
7. Thông tin kịp thời về thị trường, giá cả, các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thông tin các điểm bán hàng an toàn; phối hợp kiểm soát thông tin thất thiệt có thể gây bất ổn thị trường.
III. NHIỆM VỤ CỤ THỂ
- Phòng Quản lý thương mại
Hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện (và người áp tải, giao, nhận hàng) khi vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất nói chung, mặt hàng nông sản nói riêng khi lưu thông qua các tỉnh, thành theo tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn việc thu mua, tiêu thụ hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch (công văn 1083/BCT-TTTN ngày 01/3/2021 của Bộ Công Thương).
Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối; ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối trên địa bàn chủ động và tăng khả năng tiêu thụ các mặt hàng nông sản của các địa phương từ hai lần trở lên so với năm 2020.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động (theo đúng quy định của pháp luật) tại các khu cụm công nghiệp, khu đông dân cư để mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, phục vụ người tiêu dùng trong điều kiện bình thường hay giãn cách, cách ly xã hội.
Đề xuất phối hợp địa phương khác và các doanh nghiệp phân phối lớn tại các tỉnh, thành để tiêu thụ nông sản địa phương và phối hợp xử lý vướng mắc trong hoạt động tiêu thụ nông sản.
Xây dựng kế hoạch triển khai Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030. Đôn đốc các doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai tham gia các chương trình xúc tiến thương mại nội địa (trực tuyến), các chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Triển khai Kế hoạch phát triển thương mại điện tử năm 2021, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong giao dịch thương mại điện tử; truy xuất nguồn gốc xuất xứ điện tử cho các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Phối hợp rà soát khả năng dự trữ của các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản nông sản thủy sản và các mặt hàng thiết yếu để sẵn sàng sử dụng hoặc huy động hỗ trợ các địa phương khi cần thiết.
Phối hợp Sở Giao thông Vận tải và các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải triển khai phương án vận tải hàng hóa thiết yếu, trong đó có các mặt hàng nông sản theo từng cấp độ để chủ động ứng phó với dịch bệnh nhằm hỗ trợ vận chuyển lưu thông trên địa bàn được kịp thời, hiệu quả và huy động các phương tiện vận tải này hỗ trợ các địa phương khác khi cần thiết.
2. Phòng Kế hoạch – Tài chính – tổng hợp
Tiếp tục phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Trong đó quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, xuất khẩu gạo thơm sang thị trường EU. Tổ chức có hiệu quả các kế hoạch triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do đã ký kết như hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP...chú trọng tuyên truyền các ngành hàng cụ thể và các nội dung cụ thể mà doanh nghiệp đang quan tâm.
Tăng cường công tác dự báo; phổ biến kịp thời thông tin về thị trường thế giới, các hiệp định thương mại tự do, những thay đổi về chính sách, các rào cản kỹ thuật trong thương mại để doanh nghiệp tận dụng tốt nhất lợi thế ưu đãi về thuế quan, nâng cao khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường.
3. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại
Tập trung xúc tiến các sản phẩm nông nghiệp mùa vụ, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Kết nối sản phẩm của tỉnh với các hệ thống phân phối trong và ngoài nước.
Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các Sàn thương mại điện tử Tiki, Lazada, Shopee, Sendo.
Hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến máy móc thiết bị, đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ từ nguồn kinh phí của khuyến công để doanh nghiệp tự động hóa, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, giảm chế biến thô và sơ chế.
4. Thanh tra Sở
Chủ trì, phối hợp hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, an toàn dịch bệnh và các hành vi gian lận thương mại khác; chú trọng các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế, các sản phẩm phục vụ phòng chống dịch Covid-19, bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, các mặt hàng thực phẩm tươi sống.
Chủ trì, phối hợp công tác kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử; xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu trong thương mại điện tử.
5. Các Hiệp hội, doanh nghiệp
Chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, đảm bảo nguồn hàng hóa ổn định cung cấp cho thị trường; ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp trong nước; ưu tiên phục vụ sản xuất, tiêu dùng, phòng chống dịch trong nước.
Chủ động đề xuất các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, phân phối ứng phó kịp thời với những biến động thất thường để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh.
Tăng cường thực hiện các phương thức bán hàng trên môi trường số (thương mại điện tử, đi chợ hộ,..) để phục vụ tối đa nhu cầu nhân dân trong điều kiện dịch bệnh (phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội).
Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh và phòng, chống dịch Covid-19; cập nhật đánh giá trên "Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19" theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Các phòng, đơn vị thuộc Sở triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch này và thực hiện chế độ báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện được giao vào ngày 10 và ngày 23 hàng tháng.
Giao Phòng Quản lý thương mại tổng hợp báo cáo Bộ Công Thương, UBND tỉnh theo thời gian quy định.
Trong quá trình triển khai thực hiện có khó khăn vướng mắc đề nghị các phòng, đơn vị gửi về Phòng Quản lý thương mại tổng hợp báo cáo Ban Giám đốc Sở./.
1524_KH-SCT_09-06-2021_trien khai chi thi 08-bct.signed.pdf