image banner
Sở Công Thương ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2020
Lượt xem: 66
Thực hiện Kế hoạch số 1292/KH-BCĐ ngày 26/3/2020 của Ban chỉ đạo liên ngành Tỉnh về an toàn thực phẩm về việc triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2020, Sở Công Thương xây dựng Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2020.

Nội dung chính của Kế hoạch:

1. Mục đích và yêu cầu

(1) Mục đích

- Triển khai, tuyên truyền sâu rộng về Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020 với chủ đề "Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm, giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm thực hiện đầy đủ, trung thực và đúng quy định pháp luật về an toàn thực phẩm góp phần bảo vệ sức khỏe, củng cố niềm tin cộng đồng vào công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện thắng lợi chủ đề của tháng hành động. 

- Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng nguyên liệu, quy trình sản xuất, bảo quản thành phẩm cho đến việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm nhằm ngăn ngừa và xử lý thực phẩm bẩn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm nhập lậu.

(2) Yêu cầu

- Các hoạt động trọng điểm diễn ra trong thời gian Tháng hành động năm 2020 từ 15/4/2020 đến 15/5/2020 phải phù hợp với điều kiện, tình hình dịch bệnh nhưng vẫn phải đảm bảo mục đích của tháng hành động.

- Hoạt động thông tin, tuyên truyền phải sâu rộng, chính xác, kịp thời, nội dung tuyên truyền gần gũi, dễ tiếp thu, phù hợp với đối tượng cần tuyên truyền.

- Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm có trọng tâm trọng điểm, không kiểm tra chồng chéo, không gây phiền hà cho doanh nghiệp. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải kết hợp với công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

- Các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

2. Nội dung thực hiện:

(1) Công tác tuyên truyền

- Triển khai tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (truyền thanh, truyền hình, website, băng ron, … ) về trách nhiệm chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, về vai trò, quyền lợi và nghĩa vụ của người tiêu dùng trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. 

- Phổ biến, công khai những quy định pháp luật, kiến thức mới về an toàn thực phẩm để cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực thi đúng pháp luật và người tiêu dùng tham gia giám sát, lựa chọn thực phẩm an toàn. Đặc biệt là giới thiệu các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, các chuỗi thực phẩm sạch, sản phẩm truyền thống, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng nhằm quảng bá, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm thực phẩm sạch, an toàn, mang đậm nét truyền thống và đặc sản của địa phương, …

- Công khai trên phương tiện thông tin tên, địa chỉ các cơ sở vi phạm quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm để răn đe.

(Nội dung tuyên truyền cụ thể tham khảo tại Phụ lục I ban hành kèm theo Kế hoạch số 1292/KH-BCĐ đính kèm)

(2) Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát

- Các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm thuộc ngành công thương chủ trì thực hiện kiểm tra hoặc tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành các cấp về an toàn thực phẩm thực hiện kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến thức ăn sẵn, … tại các huyện, thị xã, thành phố.

- Sở Công Thương chủ trì thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (dự kiến khoảng 17 cơ sở) thuộc các nhóm sản phẩm thực phẩm do ngành công thương quản lý trên địa bàn tỉnh.  

- Tổ chức giám sát chất lượng sản phẩm thực phẩm bày bán tại các chợ, sản phẩm lưu thông trên thị trường như: rượu, bia, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, bún, phở, bánh hỏi, bánh ướt, bánh canh, hủ tíu, các sản phẩm từ bột, sữa chế biến, dầu thực vật, ... nhằm đánh giá, phân tích nguy cơ mất an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc, xử lý triệt để đối với thực phẩm được xác định mất an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

(Nội dung kiểm tra cụ thể được hướng dẫn tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Kế hoạch số 1292/KH-BCĐ đính kèm)

(3) Kinh phí thực hiện

- Sử dụng nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của Sở.

- Sử dụng nguồn kinh phí được phân bổ từ Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số năm 2020.

3. Tổ chức thực hiện

(1) Phòng Quản lý công nghiệp

- Chủ trì tổ chức biên soạn nội dung và thực hiện các hoạt động tuyên truyền về tháng hành động đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý. Phối hợp Văn phòng Sở chuẩn bị và treo khẩu hiệu tuyên truyền đảm bảo an toàn thực phẩm trong Tháng hành động năm 2020 tại đơn vị. 

- Cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra chuyên ngành do Thanh tra Sở chủ trì và Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh về an toàn thực phẩm để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch.

- Thực hiện giám sát chất lượng thực phẩm bày bán tại các chợ, sản phẩm lưu thông trên thị trường. Phối hợp với Phòng Kinh tế/ Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện truy suất nguồn gốc thực phẩm không an toàn qua kết quả giám sát.

- Tổng hợp báo cáo từ tuyến huyện, thực hiện báo cáo nhanh về Sở Y tế trước ngày 28/4/2020 và báo cáo kết quả triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2020 trước ngày 22/5/2020 theo quy định.

(2) Thanh tra Sở

Chủ trì thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuộc ngành công thương quản lý trước, trong và sau thời gian diễn ra Tháng hành động. Tùy vào tình hình thực tế tiến hành lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm để đánh giá việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kịp thời phát hiện các nguy cơ mất an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm tăng sức răn đe, tạo ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

(3) Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng thành phố Tân An, thị xã Kiến Tường và các huyện

- Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2020 trên địa bàn quản lý. Trong đó, chú trọng tuyên truyền những quy định mới, kiến thức về an toàn thực phẩm đến các cơ sở theo phân cấp quản lý với hình thức phù hợp, hiệu quả. Tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp với các ngành, đoàn kiểm tra liên ngành các cấp tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm của các cơ sở trên địa bàn quản lý.

- Cử cán bộ tham gia giám sát an toàn thực phẩm cùng Sở Công Thương. Chủ trì thực hiện kiểm tra truy suất nguồn gốc, xử lý thực phẩm không an toàn trên địa bàn quản lý qua kết quả giám sát.

- Báo cáo kết quả thực hiện gửi về Sở Công Thương trước ngày 17/5/2020 để Sở tổng hợp báo cáo Bộ Công Thương và BCĐ liên ngành tỉnh về VSATTP theo quy định. (Báo cáo theo mẫu tại Kế hoạch 1292/KH-BCĐ)

Nội dung của Kế hoạch tham khảo KH_tháng hành động.docx.signed.pdf./. 


Thông báo
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1