image banner
Điều chỉnh tăng trưởng và cơ cấu kinh tế
Lượt xem: 209

            Theo Đề án tái cơ cấu kinh tế tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 2716/QĐ-UBND ngày 13/8/2014 của UBND tỉnh Long An, nội dung điều chỉnh tăng trưởng và cơ cấu kinh tế của tỉnh như sau:

1. Quan điểm và định hướng tăng trưởng, phát triển theo từng giai đoạn trong quá trình tái cơ cấu kinh tế.

            1.1. Tron g giai đoạn 2014 – 2015 và có khả năng kéo dài đến 1 – 2 năm sau, giảm mục tiêu phấn đấu đối với chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng, đặt trọng tâm vào việc giải quyết các bất cập, hạn chế về cấu trúc kinh tế theo hướng tăng dần chất lượng phát triển, thông qua các định hướng chủ lực sau:

            Rà soát, điều chỉnh, đề xuất giải pháp nhằm khai thông quá trình trì trệ trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm (các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị, khu dân cư, trung tâm thương mại dịch vụ, khu du lịch…). Nâng cao tỷ lệ giá trị tăng thêm/giá trị sản xuất trong công nghiệp kết hợp với từng bước nâng cao qui mô doanh nghiệp và giải quyết các ách tắc trong vấn đề vốn, thị trường, lao động. Kêu gọi đầu tư 2 – 3 phân khu công nghiệp hỗ trợ trong các khu, cụm công nghiệp tại Đức Hòa, Bến  Lức, Cần Giuộc.

            Tập trung đầu tư hạ tầng có trọng điểm tại các khu vực phát triển đô thị của TP Tân An, TX Kiến Tường, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ và dân cư đô thị. Trên cơ sở đó, xác định các dự án trọng điểm về hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp nước…) và các dự án về hạ tầng xã hội (chính trị, hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, nhà ở, phúc lợi công cộng). Trong giai đoạn này từng bước di dời trung tâm hành chính tỉnh để hình thành hạt nhân phát triển đô thị mới cho TP Tân An.

            Hỗ trợ, khuyến khích hình thành các cánh đồng lớn nhằm tìm giải pháp nhân rộng cánh đồng lớn, trong đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng các cơ sở kho vận, chế biến và hỗ trợ hành lang pháp lý về hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Trong giai đoạn này, bắt đầu hình thành tuyến kho vận – chế biến – kinh doanh lúa gạo tại TP Tân An nhằm làm đầu mối đẩy mạnh thương mại hóa; tổ chức tiêu chuẩn hóa kết hợp với cải tạo mạng cấp điện tại vùng quy hoạch thanh long; nghiên cứu khả năng phát triển của các chuỗi ngành hàng rau màu, sữa, súc sản.

            Hoàn chỉnh tuyến giao thông bộ từ Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước đến Cảng Long An (Đường tỉnh 830) để tạo luồng phát triển logistics cho Cảng. Hoàn chỉnh các tuyến giao thông có giá trị khai thông ách tắc thu hút đầu tư (ĐT.823B, ĐT.826 C-D, đường Tân Kim – Long Hậu, các điểm nút ranh giữa Long An và TPHCM theo các trục hướng tâm). Kết nối mạng hoàn chỉnh hệ thống giao thông trục khu vực nông thôn vùng 1 và vùng 2.

            Hoàn thành các công trình nguồn cấp nước công nghiệp, đô thị từ công trình thủy lợi hồ Phước Hòa và kênh Đông; gia tăng hiệu quả năng lực tăng vụ rau màu tại Đức Hòa trên cơ sở phát huy hiệu quả thủy nông của hệ thống thủy lợi hồ Phước Hòa. Triển khai trung hạn hóa kế hoạch đầu tư công.

            Tiếp tục giải quyết nợ xấu tín dụng theo tiến độ và quy trình chung. Hoàn thành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch.

            Đẩy mạnh công tác dạy nghề kết hợp với các chương trình hướng nghiệp, tư vấn và giới thiệu việc làm tại Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc nhằm tạo điều kiện thu hút và đầu tư nâng cấp trình độ cho lao động công nghiệp. Thử nghiệm mô hình vườn ươm công nghệ và bộ phận nghiên cứu và triển khai tại các doanh nghiệp lớn kết hợp với phát triển thêm 1 – 2 doanh nghiệp khoa học công nghệ.

            Đẩy mạnh phát triển đô thị hóa tại TT Bến Lức, TT Đức Hòa và TT Cần Giuộc nhằm hỗ trợ cho phát triển bền vững công nghiệp và tạo vùng trũng thu hút giãn nở đô thị từ TPHCM, đưa vùng 3 lên thế phát triển mới (đô thị đồng bộ với công nghiệp). Đồng thời đẩy mạnh đô thị hóa gắn với xây dựng nông thôn mới tại các huyện giáp với TPHCM và các khu vực phát triển công nghiệp, dịch vụ khác.

            1.2. Trong giai đoạn đến năm 2020 (và có khả năng kéo dài 1 – 2 năm), trong bối cảnh phát huy hiệu quả của quá trình tái cơ cấu giai đoạn 1, có khả năng đẩy nhanh hơn tốc độ tăng trưởng, đặt trọng tâm vào việc phát triển các lĩnh vực sau:

            Bắt đầu thu hút đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm (các khu cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị, khu dân cư, trung tâm thương mại dịch vụ, khu du lịch…) sau khi đã khai thông trì trệ. Đẩy mạnh hiệu quả sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm: cơ khí chế tác phục vụ xay xát, máy nông nghiệp và trang thiết bị phụ tùng, nhựa và công nghiệp hỗ trợ ngành nhựa, công nghiệp chế biến thực phẩm qui mô tập trung, thiết bị điện, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may. Về cơ bản lấp đầy 60 – 80% các khu cụm công nghiệp trọng điểm và hình thành 4 phân khu công nghiệp hỗ trợ trong các khu, cụm công nghiệp tại Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc.

            Phát triển trung tâm thương mại mới của TP Tân An, đồng thời bắt đầu phát triển mở rộng đô thị trên cơ sở hạt nhân là khu di dời trung tâm hành chính tỉnh. Phát triển các trung tâm, khu thương mại tại TT Bến Lức, TT Đức Hòa, TT Cần Giuộc, TT Cần Đước, TT Hậu Nghĩa, nội thị TX Kiến Tường.

            Hình thành các vùng chuyên lúa chất lượng cao tại Đồng Tháp Mười với lỹ thuật canh tác hướng GAP, đủ điều kiện về mặt bằng, kỹ thuật canh tác và hành lang pháp lý để tiếp nhận liên kết sản xuất – kho vận – chế biến – kinh doanh – tiêu thụ. Về cơ bản đã hình thành các trung tâm xay xát lớn tại Vĩnh Hưng, tuyến kho vận – chế biến – kinh doanh lúa gạo tại Tân Đông, TP Tân An (có đủ điều kiện phát triển lên sàn giao dịch lúa gạo sau năm 2020). Ổn định sản xuất – tiêu thụ vùng chuyên thanh long. Nâng cao hiệu quả chuỗi ngành hàng rau màu, sữa, súc sản, tôm.

            Về cơ bản đã hình thành hạ tầng logistics cho Cảng Long An (hệ thống cảng, kho, điều vận, kiểm hóa, KCS, hải quan, bảo hiểm, đóng gói bao bì) và  hoạt động liên kết với Cảng Hiệp Phước, các cảng khác. Hoàn chỉnh kết nối Long An với TPHCM theo các trục hướng tâm, phát triển, nâng cấp các tuyến kết nối mới như ĐT.838B, ĐT.818, QL.N1…; kết nối mạng hoàn chỉnh hệ thống giao thông trục khu vực nông thôn vùng 1 và vùng 2.

            Bắt đầu nối mạng hệ thống cấp nước công nghiệp, đô thị từ Đức Hòa về đến vùng phía Nam và tiếp tục phát huy hiệu quả các trạm cấp nước cục bộ. Phát huy hiệu quả trung hạn hóa kế hoạch đầu tư công. Đẩy mạnh hoạt động các tổ chức tín dụng một cách ổn định theo tiến độ phát triển chung của cả nước. Đẩy mạnh xã hội hóa tăng vốn điều lệ các doanh nghiệp đã cổ phần hóa. Hình thành trung tâm dạy nghề kết hợp với hướng nghiệp, tư vấn và giới thiệu việc làm tại Bến Lức với qui mô cấp vùng. Phát triển các vườn ươm công nghệ, bộ phận nghiên cứu & triển khai tại các doanh nghiệp lớn; bắt đầu phát triển ổn định các doanh nghiệp khoa học công nghệ.

            Mở rộng TP Tân An theo hệ thống đường vành đai. Đẩy mạnh phát triển đô thị hóa tại TT Bến Lức trên cơ sở kết nối với tuyến dân cư hậu cần công nghiệp theo ĐT.830, ĐT.830 C đến Gò Đen; phát triển các khu dân cư đô thị hậu cần công nghiệp theo tuyến phát triển TT Hậu Nghĩa, Đức Lập, Mỹ Hạnh, TT Đức Hòa, Đức Hòa Hạ, trong đó chú trọng phát triển Khu dân cư Tân Đức; mở rộng TT Cần Giuộc kết hợp với khởi động các khu đô thị mới từ Long Hậu đến Phước Lợi theo hướng giãn nở đô thị từ TPHCM; mở rộng TT Cần Đước; nâng cấp TX Kiến Tường thành đô thị trung tâm vùng 1 và trung tâm phát triển kinh tế cửa khẩu.

2. Điều chỉnh tăng trưởng và xác định cơ cấu kinh tế trong từng giai đoạn.  

            - Giai đoạn đến năm 2015: Dự báo giảm tốc độ tăng trưởng so với dự kiến trong bối cảnh trì trệ về kinh tế chung và các biến động vĩ mô trong quá trình tái cơ cấu, hạn chế đầu tư công; đồng thời, tích cực sắp xếp lại không gian phát triển, hiệu quả sản xuất nông nghiệp và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp.

            - Giai đoạn đến năm 2020: Tốc độ tăng trưởng dự báo cao hơn giai đoạn đến năm 2015 do trong giai đoạn này đã triển khai sắp xếp, thúc đẩy lấp đầy phát triển các khu, cụm công nghiệp, đầu tư công được lập theo kế hoạch trung hạn nhằm phục vụ tái cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vẫn thấp hơn dự kiến quy hoạch do dự báo quá trình trì trệ có thể kéo dài sau năm 2015 một vài năm; quá trình chuyển dần từ tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu dự báo sẽ phát sinh các nhân tố làm chậm tốc độ tăng trưởng.

            - Giai đoạn đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng dự báo bằng hoặc cao hơn dự kiến quy hoạch do các chuẩn bị về cơ sở tăng trưởng theo chiều sâu bắt đầu phát huy tác dụng; dự báo tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm sẽ cao hơn tốc độ tăng giá trị sản xuất.

            - Về cơ cấu kinh tế: Đến năm 2020 tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ thấp hơn dự kiến do mô hình tăng trưởng phấn đấu chủ động điều tiết các yếu tố phát triển nóng để đảm bảo phát triển bền vững; đến năm 2030 tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ gần tương đương quy hoạch trên cơ sở tăng trưởng ổn định.

            - Về bố trí không gian phát triển: Quy hoạch các vùng chuyên cho chuỗi ngành hàng lúa gạo, thanh long, rau màu, súc sản kết hợp với các trung tâm thu mua – chế biến – kho vận – kinh doanh các loại nông, thủy sản. Thu hẹp hoặc thay đổi chức năng một số khu, cụm công nghiệp sau khi rà soát; tăng cường hiệu quả của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp về qui mô, chất lượng sản phẩm, hàm lượng công nghệ và liên kết sản xuất.

            Phát triển mạnh đô thị TP Tân An, TX Kiến Tường, đặc biệt là cụm đô thị nằm trong vùng giãn nở của TPHCM, chủ yếu tại TT Đức Hòa, Đức Hòa Hạ, Mỹ Hạnh, Đức Lập, Gò Đen, Tân Kim, TT Cần Giuộc, Long Hậu, Phước Lại; sau năm 2020 sẽ định hình kết nới các cụm đô thị trên thành tuyến với Bến Lức và TP Tân An.

            2.1. Tốc độ tăng trưởng:

            Tốc độ tăng trưởng dự báo giai đoạn 2011 – 2015 là 11,5%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng 3 khu vực kinh tế lần lượt là nông nghiệp 4,2%/năm; công nghiệp – xây dựng 17,1%/năm; dịch vụ 11,9%/năm. Tốc độ tăng trưởng dự báo giai đoạn 2016 - 2020 là 12,0%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng 3 khu vực kinh tế lần lượt là nông nghiệp 4,0%/năm; công nghiệp – xây dựng 15,7%/năm; dịch vụ 12,2%/năm.

            So sánh với chỉ tiêu quy hoạch tốc độ tăng trưởng thời kỳ 2013 – 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế là 12,0%/năm (thấp hơn so với quy hoạch là 13,0%/năm). Tuy nhiên, nhờ vào tăng trưởng nhanh sau năm 2020, nếu tính cả thời kỳ 2013 – 2030, tốc độ tăng trưởng có khả năng phấn đấu đạt 12,5%/năm.

            2.2. Cơ cấu kinh tế:

            Do chỉ số giá khu vực nông nghiệp bị giảm sút nhanh từ năm 2012, cơ cấu kinh tế năm 2015 sau khi điều chỉnh dự báo là 25,4% - 43,7% - 30,9% (so với quy hoạch là 28% - 41% - 31%). Quá trình tái cơ cấu kinh tế đến năm 2020 sẽ làm giảm sút tốc độ tăng trưởng của công thương nghiệp, cơ cấu kinh tế năm 2020 sau khi điều chỉnh dự báo là 17,8% - 49,7% - 32,5% (so với quy hoạch là 15% - 45% - 40%). Cơ cấu kinh tế năm 2030 sau khi điều chỉnh dự báo là 7,4% - 48,8% -43,7% (không sai khác nhiều so với quy hoạch là 7% - 48% - 45%).

            2.3. Cơ cấu các khu vực kinh tế:

            Cơ cấu khu vực nông nghiệp: Thủy sản tăng tỷ trọng từ 9,6% năm 2012 lên 12,8% năm 2020, nông nghiệp giảm tương ứng từ 85,6% còn 83,6%; trong cơ cấu nông nghiệp, chăn nuôi tăng từ 14% lên 19%.

            Cơ cấu khu vực công nghiệp – xây dựng:Xây dựng tăng tỷ trọng từ 12,1% lên 15,7%; công nghiệp giảm tương ứng từ 87,9% xuống còn 84,3%; trong nội bộ ngành công nghiệp dự kiến có sự chuyển dịch quan trọng trong các phân ngành cấp II và III.

            Cơ cấu khu vực dịch vụ: Các ngành chiếm vị trí quan trọng là thương mại, giáo dục - y tế - thể dục thể thao, kinh doanh tài sản – tư vấn, tài chính.

            2.3. GDP/người: Với dự báo như trên đến năm 2015, GDP/người theo giá so sánh 2010 vào khoảng 2.200 USD (so với quy hoạch là 2.400 USD) và đến năm 2020 khoảng 3.700 USD (so với quy hoạch là 3.800 USD). GDP/người dự báo theo giá hiện hành vào khoảng 2.600 USD năm 2015 và 4.800 USD vào năm 2020.

3. Các nội dung trọng điểm tái cơ cấu kinh tế.

            Tái cơ cấu kinh tế bao gồm nhiều lĩnh vực trong khung mô hình phát triển kinh tế đã được xác định hoặc điều chỉnh; đối chiếu các vấn đề về cấu trúc trong phát triển kinh tế thời kỳ 2001 – 2013 và khả năng huy động các nguồn lực của tỉnh, quá trình tái cơ cấu kinh tế cần tập trung vào 3 lĩnh vực:

            - Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiệu quả, chất lượng và cạnh tranh.

            - Rà soát, sắp xếp để thúc đẩy sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp; tăng cường hiệu quả của các doanh nghiệp công nghiệp về qui mô, chất lượng sản phẩm, hàm lượng công nghệ và liên kết sản xuất; phát triển công nghiệp hỗ trợ.

            - Nâng cao hiệu quả đầu tư công thông qua hoàn chỉnh trung hạn hóa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

            Một số lĩnh vực khác cũng cần được cải thiện để hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu 3 lĩnh vực trọng tâm nêu trên là:

                  + Phát triển khu vực dịch vụ, đô thị đồng bộ với khu vực công nghiệp – xây dựng và hỗ trợ đắc lực cho khu vực sản xuất (nông công nghiệp) về mặt thị trường, nhân lực, dịch vụ cho sản xuất;

                  + Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng vừa góp phần ổn định tài chính vĩ mô, vừa phát triển nguồn cung ứng vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh;

                  + Phát triển thị trường lao động và công nghệ theo định hướng điều chỉnh mô hình tăng trưởng;

                  + Phát triển kinh tế vùng với cơ cấu kinh tế hợp lý trên cơ sở phát huy thế mạnh từng vùng và liên kết phát triển vùng trong và ngoài tỉnh./. 

Thái Chuyên

Thông báo
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1