image banner
Một số định hướng, giải pháp các lĩnh vực hỗ trợ trong quá trình tái cơ cấu
Lượt xem: 227

            Theo Đề án tái cơ cấu kinh tế tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định 2716/QĐ-UBND ngày 13/8/2014 của UBND tỉnh Long An, một số định hướng, giải pháp các lĩnh vực hỗ trợ trong quá trình tái cơ cấu kinh tế tỉnh:

1. Định hướng, giải pháp phát triển khu vực dịch vụ - đô thị

          Quan điểm: Tận dụng lợi thế vị trí, khả năng phát triển công nông nghiệp trên địa bàn nhằm đẩy mạnh các lĩnh vực khu vực kinh tế dịch vụ còn yếu kém so với tiềm năng và phát triển dịch vụ đồng bộ, cân đối với kinh tế công nghiệp – xây dựng. Phát triển khu vực kinh tế dịch vụ đồng bộ với phát triển đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới. Từng bước giải quyết các bất cập, trì trệ của các công trình dịch vụ trọng điểm trên địa bàn.

          Định hướng: Phát triển các trung tâm, khu thương mại dịch vụ trên cơ sở đẩy mạnh phát triển đô thị, hình thành các trung tâm đô thị hóa cấp tỉnh, cấp vùng, là  đầu mối có tính trung chuyển, phát luồng cho các hoạt động của khu vực dịch vụ. Hệ thống đô thị bao gồm: Khu phát triển đô thị trung tâm tỉnh TP Tân An – Bến Lức (bao gồm các đô thị tại Tầm Vu, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, các khu đô thị mới Cầu Ván, Gò Đen); khu phát triển đô thị Cần Giuộc – Cần Đước (bao gồm các đô thị mới Rạch Kiến, cảng Long An, Long Hựu Đông); khu phát triển đô thị Hậu Nghĩa – Đức Hòa (bao gồm các đô thị mới Đức Lập, Mỹ Hạnh, Đức Hòa Đông, Đức Hòa Hạ); khu phát triển đô thị Tân Thạnh – Kiến Tường (bao gồm các đô thị Hậu Thạnh Đông, Bình Hiệp); khu phát triển đô thị Tân Hưng – Vĩnh Hưng.

          Rà soát các công trình dịch vụ đã được quy hoạch trên địa bàn (cảng Long An, khu phức hợp Khang Thông – HappyLand, khu kinh tế cửa khẩu) nhằm đề xuất những điều chỉnh phù hợp (về qui mô, bố trí, phương thức và tiến độ đầu tư) và triển khai các giải pháp đẩy nhanh xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư kinh doanh vào các công trình dịch vụ sau khi đã điều chỉnh.

          Xây dựng và triển khai các giải pháp tổng hợp nâng cao hiệu quả của các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, kho vận, giáo dục - y tế - thể dục thể thao, du lịch, tư vấn và bất động sản trên địa bàn nhằm đa dạng hóa các loại hình thương mại – dịch vụ.

          Quá trình tái cơ cấu kinh doanh khu vực dịch vụ đặt trọng tâm vào 3 chương trình chủ lực sau:

          1.1.  Chương trình phát triển đô thị và các khu thương mại, dịch vụ tại TP Tân An.  

          Mục tiêu là phát triển TP Tân An thành trung tâm thương mại – dịch vụ đầu mối, chuẩn bị cơ sở kết nối chuỗi đô thị và dịch vụ với Bến Lức sau năm 2020.

          Định hướng là kêu gọi đầu tư xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ TP Tân An (trên nền sân vận động cũ); di dời trung tâm hành chính tỉnh nhằm tạo hạt nhân phát triển mở rộng đô thị mới; xây dựng, cải tạo các cơ sở hạ tầng đô thị, phát triển mở rộng khu vực nội thị TP Tân An và chuẩn bị một số điểm phát triển đô thị phía Bắc sông Vàm Cỏ Tây sau năm 2020.

            Các giải pháp: Kêu gọi và ưu tiên cho các nhà đầu tư (hoặc liên doanh các nhà đầu tư) có năng lực đầu tư trọn gói thương mại dịch vụ TP Tân An, bao gồm đền bù, xây dựng hạ tầng, kêu gọi đầu tư và tổ chức kinh doanh trong trung tâm. Vận dụng các chính sách trong phạm vi luật định nhằm hỗ trợ nhà đầu tư về phương diện thủ tục, tiếp cận vốn, phân kỳ đầu tư hợp lý.

          Đối với một số vị trí thuận lợi về thương mại – dịch vụ, từng bước chuyển thành các khu dịch vụ chuyên đề có tính chất đầu mối, phát luồng (tài chính, ngân hàng, du lịch, cao ốc văn phòng…). Cải tạo các tuyến đường trục đô thị kết hợp phát triển hệ thống đường gom từ đường Vành đai kèm theo quy hoạch hành lang khu dân cư, khu thương mại dịch vụ; tập trung đầu tư các công trình chính trị hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, thương mại, du lịch, di tích lịch sử văn hóa có tác động lớn đến quá trình nâng cấp, mở rộng đô thị. Rà soát và thúc đẩy phát triển các khu dân cư đang khởi động.

          1.2. Chương trình phát triển các khu đô thị trong hành lang phát triển công nghiệp của tỉnh và trong hành lang giãn nở đô thị của TPHCM.

          Mục tiêu: Xây dựng các đô thị vệ tinh – hậu cần công nghiệp hỗ trợ phát triển bền vững công nghiệp và hiện đại hóa khu vực trọng điểm công nghiệp hóa. Đẩy mạnh đô thị hóa trong hành lang giãn nở của TPHCM nhằm phát triển đô thị, thúc đẩy thị trường bất động sản, hỗ trợ phát triển ngành xây dựng, vật liệu xây dựng và tạo hậu cần cho các trung tâm phát triển quan trọng của tỉnh (cảng, khu du lịch, các trung tâm logistics).

          Định hướng: Tại Đức Hòa, phát triển các khu đô thị theo trục TT Hậu Nghĩa – Đức Lập – Mỹ Hạnh – Đức Hòa Đông – TT Đức Hòa – Đức Hòa Hạ. Mở rộng TT Hậu Nghĩa hướng đến đô thị loại III, TT Đức Hòa đạt chuẩn đô thị loại IV. Hỗ trợ nhà đầu tư trong việc giải quyết ách tắc đầu tư kinh doanh khu đô thị Ecity Tân Đức và Hồng Phát. Rà soát và thúc đẩy phát triển các khu dân cư đang khởi động.

          Tại Bến Lức, phát triển các khu đô thị theo trục Phước Lợi – Mỹ Yên, Tân Bửu, tiến đến kết nối với TT Bến Lức theo ĐT.830C. Mở rộng TT Bến Lức theo hướng kết nối với khu đô thị sinh thái Vàm Cỏ Đông và tuyến Thuận Đạo – Long Cang. Rà soát và thúc đẩy phát triển các khu dân cư đang khởi động.

          Tại Cần Giuộc – Cần Đước, mở rộng TT Cần Giuộc sang bờ Đông của sông Cần Giuộc; khát triển các khu đô thị mới tại Long Hậu, Phước Lại, Tân Kim, Trường Bình. Rà soát và thúc đẩy phát triển các khu dân cư đang khởi động.

          Các giải pháp chính: Kêu gọi các nhà đầu tư lớn có đủ năng lực đầu tư hoặc đóng vai trò nhà điều phối đầu đàn về tài chính, thị trường, chủ yếu đối với phát triển đô thị tại Cần Giuộc trên cơ sở tái cơ cấu các khu dân cư hiện có và phát triển thêm các dự án mới. Giải quyết các dự án nhỏ đang trì trệ hoặc các dự án có qui mô lớn đang ách tắc, chủ yếu tại Đức Hòa và Bến Lức. Đề xuất với chủ đầu tư các giải pháp gồm: đổi chủ đầu tư, chuyển đổi một phần chức năng, chia nhỏ hoặc hợp nhất các khu dân cư theo điều phối của chủ đầu tư mới, phát triển bổ sung hạ tầng đến hàng rào, tính toán lại cơ cấu đầu tư và giá cho thuê…

          Xem xét việc luân chuyển chức năng một số khu, cụm công nghiệp không hiệu quả tại Cần Giuộc và Đức Hòa, Bến Lức sang khu đô thị. Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong vấn đề thủ tục (quy hoạch, đền bù – giải tỏa – thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất) đồng bộ với đẩy mạnh công tác hậu kiểm. Đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư các công trình có tính hạt nhân, phát luồng cho các khu đô thị và các hoạt động thương mại dịch vụ: khu, cụm công nghiệp; các công trình giảm áp từ TPHCM về giáo dục, y tế; cảng – logistics; khu, điểm du lịch; cao ốc văn phòng và chung cư…

            1.3. Chương trình thúc đẩy các công trình kinh tế dịch vụ trọng điểm.

          Mục tiêu: Thúc đẩy tiến độ triển khai (bao gồm tính toán cả qui mô và tiến độ phát triển) các công trình kinh tế dịch vụ trọng điểm trên địa bàn, bao gồm Cảng Long An, khu kinh tế cửa khẩu.

          Định hướng và các giải pháp: Đối với Cảng Long An, hoàn chỉnh hệ thống ĐT.830 từ Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước đến Cảng Long An (tầm nhìn ngắn hạn) và hệ thống ĐT.830B, ĐT. 826D (tầm nhìn trung hạn). Phát triển hệ thống vận tải từ các hành lang phát triển công nghiệp Đức Hòa, Bền Lức, Cần Đước ra Cảng Long An. Phát triển tuần tự các hạng mục logistics từ đơn giản đến phức tạp: kho bãi, điều vận, thông tin, KCS, bao bì đóng gói, kiểm hóa, hải quan, bảo hiểm. Xây dựng liên kết và phân công phát triển với hệ thống các cảng trong khu vực (Tân Cảng, Cảng Hiệp Phước). Đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp Đông Nam Á và khu đô thị Cảng Long An.

          Đối với khu kinh tế cửa khẩu Long An, hoàn chỉnh hệ thống giao thông kết nối các trung tâm đô thị với khu vực cửa khẩu: QL.62, QL.N1, QL.14C, ĐT.838, hệ thống đường thủy đến các cửa khẩu. Phân công phát triển giữa cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia, cửa khẩu phụ. Trong tầm nhìn đến năm 2025, chủ yếu đầu tư các hạng mục cơ bản tại cửa khẩu Bình Hiệp: nâng cấp chợ, xây dựng hạ tầng trung tâm thương mại và kêu gọi đầu tư.

2. Phát triển thị trường lao động và công nghệ

          2.1. Phát triển thị trường lao động.

          Mục tiêu: Phát triển thị trường lao động nhằm chủ động điều kiện lao động trong quá trình phát triển công nghiệp, dịch vụ và chuyển dịch hiệu quả lao động từ khu vực nông nghiệp. Tạo điều kiện thu hút lao động từ địa bàn khác đến làm việc tại tỉnh thông qua công tác đào tạo, hướng nghiệp, giải quyết việc làm. Nâng cao trình độ, kỹ năng, tác phong công nghiệp đối với lao động trên địa bàn.

          Hệ thống các giải pháp: Đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm giới thiệu việc làm tại Bến Lức; kết hợp dạy nghề với tổ chức hướng nghiệp, giới thiệu việc làm tại các trường nghề Đức Hòa, Cần Giuộc, TP Tân An. Các trung tâm giữ chức năng đào tạo và giới thiệu việc làm cho lao động trong tỉnh và từ các tỉnh vùng ĐBSCL đáp ứng các lĩnh vực công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn. Kêu gọi đầu tư các trường nghề đào tạo theo chuẩn quốc gia và ASEAN. Xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động và đào tạo lao động nhằm cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp khi có yêu cầu, tiến đến xây dựng Trung tâm thông tin thị trường lao động.

          Tổ chức các sự kiện ngày hội việc làm, thi tay nghề. Tổ chức đào tạo theo địa chỉ đối với dạy nghề nông thôn. Kết hợp với các doanh nghiệp tại khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tổ chức dạy nghề theo công việc, vận dụng các chính sách từng bước đưa doanh nghiệp trở thành chủ thể đào tạo lao động. Xây dựng và phát triển các khu đô thị vệ tinh công nghiệp với hệ thống hạ tầng, dịch vụ hoàn thiện nhằm tạo điều kiện an cư cho người lao động và thu hút lao động từ ngoài địa bàn đến làm việc (cư trú tại chỗ hoặc làm việc trong ngày). Tổ chức hiệu quả thị trường xuất khẩu lao động. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có kiến thức, năng lực đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu kinh tế.

            2.2. Phát triển thị trường công nghệ.

            Mục tiêu: Phát triển các hoạt động triển khai, ứng dụng, thẩm định về công nghệ cho 3 khu vực kinh tế, trong đó chú trọng các hình thức thích hợp đối với các doanh nghiệp công nghiệp và dịch vụ. Bước đầu hình thành và phát triển các doanh nghiệp khoa học công nghệ.

            Hệ thống các giải pháp: Tiếp tục triển khai các chương trình ứng dụng công nghệ nông nghiệp, sinh học vào sản xuất nông nghiệp theo hướng gắn kết các vùng chuyên, cánh đồng lớn, vùng xây dựng tiêu chuẩn hóa, khu nông nghiệp công nghệ cao và thông qua các hoạt động khuyến nông ngư. Kết hợp với các chính sách có liên quan để doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sẽ đẩy mạnh việc khuyến khích và hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp khoa học công nghệ tư vấn cho các doanh nghiệp thực hiện các nội dung tuần tự từ thấp lên cao:

            Thẩm định công nghệ trong quá trình mở rộng sản xuất, cải tiến công nghệ, mua thiết bị mới; Tư vấn kết hợp đăng ký các đề tài nghiên cứu cải thiện công nghệ một số khâu, công đoạn sản xuất hoặc giải pháp xử lý môi trường công nghiệp; Xây dựng và vận hành bộ phận nghiên cứu & triển khai tại các doanh nghiệp lớn; Xây dựng mô hình vườn ươm khoa học công nghệ (trước mắt đối với doanh nghiệp chuyên công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao) và xây dựng giải pháp nhân rộng mô hình; Đào tạo nhân lực chuyên khoa học công nghệ.

3. Cơ cấu phát triển kinh tế vùng

          3.1. Vùng 1 (Vùng an ninh lương thực, du lịch và kinh tế cửa khẩu).

          Bao gồm: TX Kiến Tường và các huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Châu Thành và một phần huyện Thủ Thừa.

          Định hướng phát triển chủ lực: sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu (chủ yếu là mặt hàng lúa gạo) kết hợp phát triển công nghiệp chế biến – kho vận lúa gạo, du lịch sinh thái, kinh tế cửa khẩu.

          Các vùng, hành lang và trung tâm phát triển:

          -  Vùng chuyên canh lúa: Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Bắc Thạnh Hóa và Châu Thành.

            - Vùng chuyên canh thanh long: Châu Thành.

            - Vùng trang trại tập trung: Thạnh Hóa.

            - Vùng lâm nghiệp: Nam Thạnh Hóa, một phần huyện Thủ Thừa.

            - Vùng kinh tế cửa khẩu: TX Kiến Tường.

            - Hành lang phát triển QL.62 – ĐT.837: hành lang phát triển kinh tế lúa gạo (theo kênh Dương Văn Dương) từ Trường Xuân, Mỹ An (Đồng Tháp) qua địa bàn hướng về TP Tân An và TPHCM.

            - Hành lang phát triển QL.N1 – ĐT.819: hành lang phát triển kinh tế lúa gạo đang có khuynh hướng hướng về Tiền Giang, Đồng Tháp.

            - Hành lang phát triển QL.62 – ĐT.829: hành lang phát triển kinh tế cửa khẩu.

            - Trung tâm phát triển: TX Kiến Tường (phát triển kinh tế đô thị tổng hợp kiêm chức năng đô thị trung tâm vùng kinh tế cửa khẩu), TT Tân Thạnh (trung tâm giao lưu kinh tế và trung chuyển nông sản giữa 3 cực phát triển Kiến Tường – Mỹ An – Cai Lậy).

            3.2. Vùng 2 (Vùng đệm sinh thái). Nằm giữa sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây.

            Định hướng phát triển chủ lực: sản xuất nông lâm nghiệp, kinh tế cửa khẩu.

            Các vùng, hành làng và trung tâm phát triển:

            - Vùng chuyên canh lúa: Thủ Thừa, Đức Huệ.

            - Vùng kinh tế cửa khẩu: Mỹ Quý Tây.

            - Hành lang phát triển QL.N2: hành lang trung chuyển từ vùng 1 sang vùng 3.

            - Hành lang phát triển ĐT.818 – ĐT.838 – QL.14C: hành lang phát triển công nghiệp hóa kết hợp với kinh tế cửa khẩu.

            - Trung tâm phát triển: TT Thủ Thừa (đô thị trung tâm vùng đồng lũ và là điểm giữa hành lang đô thị Tân An – Bến Lức), khu vực giáp giữa Thủ Thừa với Thạnh Hóa, TP Tân An (phát triển các đô thị, dịch vụ vệ tinh cho TP Tân An; phát triển các loại hình công nghiệp kết hợp với kho vận).

            3.3. Vùng 3 (Vùng phát triển đô thị và công nghiệp).

            Bao gồm sông Vàm Cỏ Đông và các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, một phần huyện Tân Trụ ở vùng hạ, TP Tân An và một phần huyện Thủ Thừa.

            Định hướng phát triển chủ lực: đô thị và công nghiệp tổng hợp; một số nông sản phẩm đặc trưng.

            Các vùng, hành lang và trung tâm phát triển:

            - Vùng chuyên canh lúa thơm, rau màu, tôm nước lợ: Cần Giuộc, Cần Đước.

            - Vùng chuyên canh mía: Bến Lức.

          - Vùng chuyên canh chanh: Bến Lức, Đức Hòa.

          - Vùng chuyên canh màu, đậu phọng kết hợp nuôi bò: Đức Hòa.

          - Hành lang phát triển QL.1 – đường cao tốc TPHCM – Cần Thơ: hành lang cửa ngõ nối liền 2 vùng (vùng ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam).

          - Hành lang phát triển QL.50 – sông Soài Rạp: hành lang phụ nối liền 2 vùng (vùng ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam) theo tuyến ven biển kết hợp phát triển cảng và logistics.

          - Hành lang phát triển theo các trục hướng tâm TPHCM: chạy theo ranh TPHCM từ Đức Lập – Hậu Nghĩa qua Mỹ Hạnh – Đức Hòa, Gò Đen, Bến Lức và Cần Giuộc – Long Hậu, được xem là hành lang phát triển kinh tế công nghiệp, đô thị mạnh nhất.

          - Trung tâm phát triển: TP Tân An (trung tâm hành chính chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và khoa học công nghệ của tỉnh), chuỗi đô thị từ Hậu Nghĩa đến Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc (phát triển các khu đô thị, dịch vụ giãn nở từ TPHCM và các dịch vụ hậu cần công nghiệp)./.

Thái Chuyên

Thông báo
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1