image banner
Thực trạng cấu trúc kinh tế có liên quan đến tái cơ cấu kinh tế tỉnh Long An
Lượt xem: 209

            Theo đánh giá, phân tích trong nội dung của Đề án tái cơ cấu kinh tế tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 2716/QĐ-UBND ngày 13/8/2014 của UBND tỉnh Long An cho thấy, bên cạnh các thành tựu về phát triển kinh tế đạt được trong thời kỳ 2001 – 2013 (tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, huy động hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế từ trong và ngoài tỉnh, gia tăng nhanh thu nhập bình quân đầu người, đóng góp về sản lượng và giá trị sản xuất nông công nghiệp đáng kể cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long…), phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Long An tồn tại các vấn đề về cấu trúc cần nhận dạng, phân tích trong quá trình tái cơ cấu kinh tế như sau:

          1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh theo hướng công nghiệp hóa nhưng chưa ổn định; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh nhưng thiếu đồng bộ và cân đối giữa khu vực công nghiệp – xây dựng và khu vực dịch vụ.

          Tốc độ tăng trưởng kinh tế là 9,3%/năm giai đoạn 2001 – 2005 và 11,5%/năm giai đoạn 2006 – 2013. Cơ cấu 3 khu vực kinh tế chuyển dịch nhanh từ nông nghiệp - dịch vụ - công nghiệp (48,5% - 21,7% - 29,7%) năm 2000 sang công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp (29,7% - 39,5% - 30,7%). Tuy nhiên, tăng trưởng chưa ổn định và chịu ảnh hưởng của các chu kỳ khủng hoảng, suy thoái về kinh tế - tài chính; tốc độ tăng trưởng từ 14,0% vào năm 2008 giảm còn 7,6% năm 2009; từ 12,8% năm 2010 giảm còn 10,5% năm 2012; khu vực dịch vụ hầu như không chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế, thể hiện hạn chế của chuyển dịch cơ cấu kinh tế về các phương diện: hiện đại hóa (tuy đã đẩy mạnh công nghiệp hóa), kết cấu hạ tầng “mềm” và khả năng chuyển hóa ngoại lực thành nội lực.

          2. Khu vực kinh tế công nghiệp – xây dựng có tốc độ tăng trưởng cao, hình thành một nền công nghiệp phát triển hướng ngoại với các tác động tích cực (ổn định đầu tư ngay cả trong thời kỳ suy thoái, tương đối chủ động thị trường và có nền tảng liên kết phát triển trong chuỗi công nghiệp) lẫn tiêu cực (ít có tác động thúc đẩy khu vực dịch vụ phát triển một cách đồng bộ, hiệu quả sản xuất biến động mạnh, kém chọn lọc về công nghệ và môi trường).

          Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp – xây dựng là 16,4%/năm giai đoạn 2001 – 2005; 18,4%/năm giai đoạn 2006 – 2013 và đóng góp gần 60% GDP tăng thêm, trong đó các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp từ ngoài tỉnh chiếm vai trò quan trọng. Tuy nhiên, qui mô doanh nghiệp công nghiệp còn nhỏ: bình quân chỉ có vốn khoảng 51,0 tỷ đồng/doanh nghiệp, tài sản cố định 16,5 tỷ đồng và 93 lao động; ngành nghề đa dạng nhưng phân tán và chưa liên kết thành chuỗi phát triển công nghiệp thượng nguồn (sản xuất nguyên nhiên liệu) – công nghiệp hỗ trợ (sản xuất linh kiện phụ tùng) – công nghiệp hạ nguồn (sản xuất thành phẩm). Vấn  đề nghiêm trọng nhất là tỷ lệ giá trị tăng thêm/giá trị sản xuất rất thấp và ngày càng giảm (từ 24,3% năm 2003 xuống còn 19,0% năm 2013).

          Một số khu, cụm công nghiệp tại Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc tuy đã có chủ trương quy hoạch nhưng chậm triển khai và lấp đầy. Các cơ sở công nghiệp theo tuyến (đầu tư trước năm 2005) tại Bến Lức, Cần Đước gây nhiều tác động về mặt môi trường, giao thông và cung cấp hiệu quả các cơ sở hạ tầng. Lĩnh vực xây dựng chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế khu vực II (12,1%) và có qui mô còn nhỏ, phân tán.

          3. Khu vực kinh tế nông nghiệp – nông thôn ngày càng giảm ảnh hưởng trong cơ cấu kinh tế, đóng góp ít dần trong tăng trưởng chung. Sản xuất nông nghiệp tuy đa dạng với nhiều chủng loại nông sản đặc trưng nhưng có qui mô còn phân tán, giá thành cao và biến động mạnh theo tình hình thị trường.

          Tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp là 6,0%/năm giai đoạn 2001 – 2005 và 4,2%/năm giai đoạn 2006 – 2013, chỉ đóng góp 13 – 14% GDP tăng thêm kể từ năm 2005. Bên cạnh vùng chuyên lúa với qui mô lớn tại Vùng 1 có nhiều tiềm năng phát huy lợi thế sản xuất lúa gạo với qui mô tập trung và chất lượng đồng đều, khu vực nông nghiệp còn có đặc thù riêng của sản xuất nông nghiệp cận  đô thị với các sản phẩm chủ lực như: lúa thơm, rau màu, thanh long, bò thịt và bò sữa, chăn nuôi gia trại, trang trại…) và có lợi thế về cự ly vận chuyển, tình hình cơ giới hóa rất khả quan (nhất là đối với sản xuất lúa).

          Tuy nhiên, các vấn đề về phát triển và cơ cấu kinh tế cần quan tâm là: khu vực nông nghiệp có biến động về tăng trưởng cao nhất (tốc độ tăng trưởng hàng năm dao động từ 1,5 – 9,3%/năm), phụ thuộc vào biến động giá cả thị trường; giá thành sản xuất nông sản cao hơn, tỷ lệ giá trị tăng thêm/giá trị sản xuất thấp hơn so với các tỉnh lận cận thuộc vùng ĐBSCL; sản xuất còn phân tán theo nông hộ, chưa hình thành hoặc chưa phát triển các loại hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ - kinh doanh nông sản phẩm; vùng Đồng Tháp Mười cần hoàn thiện thêm về giao thông thủy lợi, tăng cường bơm điện, cải thiện mặt bằng đồng ruộng trong bối cảnh ứng phó biến đổi khí hậu và đồng bộ với mục tiêu phát triển theo chiều sâu trong tình hình lao động chuyển dịch ra khỏi khu vực nông nghiệp – nông thôn càng nhiều.

          4. Khu vực kinh tế dịch vụ tăng trưởng khá nhưng phát triển kém đồng bộ so với toàn nền kinh tế nói chung và so với khu vực công nghiệp – xây dựng nói riêng.

            Tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ là 8,6%/năm giai đoạn 2001 – 2005 và 11,5%/năm giai đoạn 2006 – 2013, đóng góp 26% GDP tăng thêm. Trong cơ cấu các dịch vụ, các lĩnh vực tăng trưởng ổn định là tài chính (do phát triển mạnh về công nghiệp) và giáo dục - y tế - thể dục thể thao (do vị trí tiếp cận TPHCM). Tuy nhiên, phát triển của khu vực dịch vụ còn kém đồng bộ trong cơ cấu kinh tế và chưa phát huy tiềm năng về vị trí địa lý kinh tế cũng như các nguồn nội lực; hệ thống bán lẻ trên địa bàn kém phát triển, chủ yếu là phục vụ tiêu dùng tại chỗ, chưa tận dụng được vị trí cửa ngõ trong vai trò điều phối nông sản phẩm từ các tỉnh ĐBSCL hoặc vai trò kho vận các công nghệ phẩm.

            Tuy ở vị trí vùng giãn nở của trung tâm đô thị THCM, phát triển đô thị tại Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc còn kém so với tiềm năng; đô thị TP Tân An đang từng bước phát triển theo nhiều hướng nhưng nhìn chung tiến độ còn chậm; các lĩnh vực vận tải, bất động sản, tư vấn tăng trưởng kém ổn định, tốc độ tăng trưởng giảm dần. Ngoài ra, trên địa bàn còn nhiều công trình dịch vụ được quy hoạch với qui mô lớn (Cảng Long An, Khu phức hợp Khang Thông – HappyLand, Khu đô thị Ecity Tân Đức, Hồng Phát, Năm Sao, Khu hành chính mới của tỉnh…) nhưng chậm triển khai hoặc bị trì trệ.

5. Về doanh nghiệp, tuy trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp FDI nhưng nhìn chung qui mô các doanh nghiệp còn nhỏ.

            Đến năm 2013, trên địa bàn tỉnh có 5.712 doanh nghiệp; về cơ cấu thành phần kinh tế: khu vực nhà nước chiếm tỷ trọng 12% GDP, khu vực dân doanh trong nước chiếm đến 70% (trong đó kinh tế tập thể chỉ chiếm 0,1%); khu vực FDI có tỷ trọng đáng kể (18%). Tuy nhiên, vốn bình quân năm của mỗi doanh nghiệp chỉ có khoảng 48,6 tỷ đồng, tài sản cố định bình quân 10,1 tỷ đồng và 53 lao động.

            Các doanh nghiệp có qui mô nhỏ thể hiện nhiều hạn chế về các phương diện: huy động vốn đầu tư và vốn lưu động, triển khai công nghệ và đổi mới trang thiết bị, chủ động tìm và điều tiết thị trường, liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi doanh nghiệp – ngành hàng….

6. Đầu tư toàn xã hội ở mức khá cao và tăng nhanh, tập trung chủ yếu cho khu vực công nghiệp – xây dựng với tỷ lệ đầu tư trong khu vực dân doanh ngày càng tăng; thị trường tín dụng ngân hàng trên địa bàn tương đối ổn định, tỷ lệ nợ xấu thấp. Tuy nhiên, nhìn chung đầu tư chưa tương xứng với tăng trưởng và tiềm năng.

            Đầu tư toàn xã hội chiếm 39 – 40% GDP và tăng 15,5%/năm, hệ số ICOR khoảng 3,39, trong đó đầu tư trong khu vực nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng (6,0% cơ cấu đầu tư và 6,5% giá trị tăng thêm khu vực); đầu tư trong khu vực công nghiệp – xây dựng khá cao (61,5% cơ cấu đầu tư và 68,7% giá trị tăng thêm khu vực); đầu tư trong khu vực dịch vụ còn khiêm tốn (32,5% cơ cấu đầu tư và 43,2% giá trị tăng thêm khu vực). 

            Tuy có nhiều phấn đấu cải thiện quy trình và mục tiêu đầu tư, đầu tư trong khu vực công còn dàn trải và chưa phát huy các giải pháp kế hoạch hóa đầu tư trung hạn. Trong bối cảnh các biến động lớn ở tầm vĩ mô của các tổ chức tín dụng, thị trường tín dụng ngân hàng trên địa bàn tương đối ổn định, tỷ lệ nợ xấu thấp.

7. Thu ngân sách bình quân tăng 13,8%/năm thời kỳ 2001 – 2010 và 14,0%/năm giai đoạn 2011 – 2013, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế; tuy nhiên, tỷ lệ thu ngân sách trên địa bàn/ tổng thu ngân sách và tỷ lệ chi đầu tư trên tổng chi cân đối ngân sách nhà nước hàng năm còn thấp.

8. Về nguồn nhân lực, quá trình tăng chất lượng lao động có kết hợp với tái phân bố lao động khu vực nông nghiệp – phi nông nghiệp và điều phối lao động ngoài địa bàn theo quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã có tác động tăng hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động trong và ngoài tỉnh rất mạnh, có thể dẫn đến bất lợi về phương diện chất lượng nguồn nhân lực.

9. Về kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông, cung cấp điện nước, thông tin liên lạc về cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế hiện trạng; tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai./.

Thái Chuyên

Thông báo
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1