image banner
Phê duyệt đề án “Sản xuất và tiêu thụ chanh thương phẩm tỉnh Long An”
Lượt xem: 241

            UBND tỉnh Long An vừa ban hành Quyết định số 2800/QĐ-UBND ngày 21/8/2014 phê duyệt đề án “Sản xuất và tiêu thụ chanh thương phẩm tỉnh Long An”.

          Mục tiêu của đề án: Tổng hợp, đánh giá tác động các nguồn lực liên quan đến sản xuất chanh; Đánh giá diễn biến tình hình sản xuất chanh giai đoạn 2000 – 2010, phân tích những thuận lợi, khó khăn, thách thức, xác định các nguyên nhân chính của tồn tại, hạn chế đối với sản xuất và tiêu thụ chanh; Xác định vùng sản xuất chanh tập trung để đầu tư vốn, kỹ thuật và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người trồng chanh góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu của cây chanh; Xây dựng phương án sản xuất và tiêu thụ khả thi, mang lại hiệu quả cao cho vùng đề án sản xuất chanh tập trung đã được lựa chọn.

          Đề án đã xác định các nhóm giải pháp chủ yếu thực hiện bao gồm:

          1. Nhóm giải pháp về xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật: Nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng kỹ thuật bao gồm 3 nội dung chính là xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông nội đồng; Xây dựng hệ thống thủy lợi (đê bao, cống điều tiết); Xây dựng một số tuyến điện 3 pha phục vụ sản xuất chanh, bơm chống úng, tưới chanh và một số ứng dụng khác.

          2. Nhóm giải pháp về cơ giới hóa vào sản xuất, thâm canh chanh: Vùng đề án nguyên liệu chanh nằm ở các địa phương đô thị hóa mạnh, các lao động trẻ bị thu hút vào các khu công nghiệp, đô thị dẫn đến thiếu lao động, nên khó thuê và giá thuê lao động cao. Việc sử dụng lao động thủ công nhiều là một hạn chế lớn trong sản xuất chanh ở tỉnh Long An cần phải được giải quyết sớm nhằm tăng hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh. Mấu chốt của vấn đề là phải đưa cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất chanh.

          Giải pháp để nâng cao tỷ lệ diện tích ứng dụng cơ giới hóa đối với các khâu trong sản xuất chanh là: Xây dựng mô hình đưa cơ giới hóa vào sản xuất chanh (theo dạng trang trại); Ngành Nông nghiệp xây dựng kế hoạch tổ chức cho nông dân đi tham quan học tập (kể cả trong và ngoài nước) những mô hình đã và đang ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất chanh để học tập kinh nghiệm và đề xuất lựa chọn máy móc phù hợp với đặc điểm đất trồng chanh ở Long An; Kêu gọi các cơ quan liên quan nghiên cứu sản xuất thử để sớm cung ứng cho nông dân các loại máy nông nghiệp đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa trong sản xuất chanh ở Long An; Các nhà máy phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, các huyện đầu tư cho một số hộ nông dân sản xuất giỏi các loại máy nông nghiệp phục vụ cơ giới hóa các khâu sản xuất chanh; sau đó xây dựng mô hình, có kỹ thuật viên trực tiếp thao tác, hướng dẫn trong các buổi hội thảo đầu bờ, trình diễn kỹ thuật; Các mô hình và kinh phí thực hiện mô hình được luân chuyển đến các hộ, trang trại trồng chanh như một hình thức chuyển giao kỹ thuật; Trên cơ sở hiệu quả của việc cơ giới hóa, mô hình sẽ từng bước được nhân rộng.

            3. Nhóm giải pháp về kỹ thuật: về giống; bảo vệ thực vật; kỹ thuật canh tác; công nghệ sau thu hoạch.

            4. Nhóm giải pháp về khuyến nông: tổ chức hệ thống khuyến nông; hỗ trợ khuyến nông đối với người trồng chanh; đào tạo lao động trồng chanh; hỗ trợ phát triển vùng sản xuất tập trung; chính sách tài chính và tín dụng.

            5. Nhóm giải pháp về tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm: Trong đó, về tiêu thụ sản phẩm: Các doanh nghiệp cần có những chính sách tốt góp phần làm cho vùng nguyên liệu chanh phát triển, người trồng chanh có lãi, an tâm sản xuất như: chính sách hợp đồng đầu tư ứng trước theo giá thống nhất, chính sách bao tiêu sản phẩm, sản lượng, đầu tư cơ sở hạ tầng….

            Đối với các tổ chức và cá nhân trồng chanh nguyên liệu, việc tham gia ký kết và tôn trọng hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp trong vùng là một trong những điều kiện quan trọng để đảm bảo tiêu thụ được sản phẩm. Ngoài ra, đối với những diện tích không thuộc phạm vi hợp đồng ký kết với các doanh nghiệp trong vùng, nông dân hoàn toàn có thể bán cho thương lái để cung ứng chanh nguyên liệu cho các thương lái khác.

            Xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại. Xây dựng hệ thống mã vạch cho chanh trong vùng đề án để giúp truy nguyên nguồn gốc tạo cơ sở cho việc kinh doanh bền vững.

            6. Nhóm giải pháp về chính sách khuyến khích sản xuất nguyên liệu chanh: bao gồm chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước và chính sách của các doanh nghiệp trong vùng đề án.

            Một số dự án ưu tiên đầu tư gồm: 

            (1) Dự án nghiên cứu, thực nghiệm, khảo nghiệm chọn lọc bộ giống chanh chuẩn có năng suất, kháng sâu bệnh, phù hợp với sinh thái đất phèn tỉnh Long An; 

            (2) Dự án khuyến nông thành lập Bệnh viện cây trồng tại các xã trong vùng đề án, tập huấn cho nông dân trong vùng đề án về phương pháp quản lý sức khỏe cây chanh; 

            (3) Dự án đầu tư xây dựng mô hình trình diễn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trồng chanh đạt năng suất, hiệu quả cao kết hợp huấn luyện, chuyển giao cho nông dân sản xuất chanh; 

            (4) Dự án đầu tư thúc đẩy hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ sản xuất chanh gắn kết với doanh nghiệp phát triển ổn định bền vững; 

            (5) Dự án quản lý cây chanh trước các bệnh nguy hiểm; (6) Dự án hỗ trợ nhà đóng gói chanh, nhà máy sản xuất chanh muối, chế biến các sản phẩm chanh nhằm đa dạng hóa sản phẩm trái chanh; (7) Đề tài khoa học nghiên cứu đưa cơ giới hóa vào một số khâu canh tác trong sản xuất chanh ở tỉnh Long An.

            Đề án cũng có nội dung phân tích, đánh giá hiệu quả về lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội và tác động môi trường.

            UBND tỉnh Long An giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm triển khai và theo dõi thực hiện Đề án; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện Bến Lức và Đức Huệ xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch cụ thể các nội dung của Đề án này./.

Thái Chuyên

Thông báo
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1