image banner
Tái cơ cấu khu vực công nghiệp tỉnh Long An
Lượt xem: 266

            Theo Đề án tái cơ cấu kinh tế tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 2716/QĐ-UBND ngày 13/8/2014 của UBND tỉnh Long An, nội dung tái cơ cấu khu vực công nghiệp-xây dựng gồm:

Quan điểm.

          Nâng cao hiệu quả sử dụng các khu, cụm công nghiệp về phương diện sử dụng quỹ đất đai, nguồn lao động, hàm lượng công nghệ, tính liên kết sản xuất và bảo vệ môi trường. Từng bước giải quyết các bất cập, trì trệ của các khu, cụm và tuyến công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp hiện trạng. Xác định và kêu gọi đầu tư trọng điểm vào các lĩnh vực công nghiệp có ưu thế cạnh tranh hoặc liên kết sản xuất. Cải thiện tỷ lệ giá trị tăng thêm/giá trị sản xuất công nghiệp thông qua việc gia tăng qui mô sản xuất và hàm lượng công nghệ trong sản phẩm, tăng tỷ trọng công nghiệp hỗ trợ, giảm thâm dụng lao động, hướng đến nền sản xuất công nghiệp xanh thân thiện với môi trường.

Định hướng.

          Rà soát các khu, cụm công nghiệp đã quy hoạch nhằm điều chỉnh phù hợp (về mục đích sử dụng, qui mô, ngành nghề chủ lực, phương thức đầu tư) và triển khai các giải pháp đẩy nhanh xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh vào các khu, cụm công nghiệp sau khi đã điều chỉnh. Từng bước chuyên môn hóa (theo ngành hoặc nhóm ngành) đối với một số khu, cụm công nghiệp mới phù hợp với thế mạnh sản xuất tại các địa bàn công nghiệp hóa, tập trung chuyên môn hóa cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong tầm nhìn đến năm 2030, xác lập liên kết sản xuất giữa các cơ sở hoặc các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài địa bàn.

          Từng bước chuyển đổi tuyến công nghiệp dọc theo QL.1 (địa bàn Bến Lức) thành chuỗi đô thị từ TP Tân An đến Gò Đen; công tác này được dự báo kéo dài đến khoảng năm 2030. Xây dựng và triển khai các giải pháp tổng hợp nâng cao tỷ lệ giá trị tăng thêm/giá trị sản xuất và phát triển các ngành hàng chủ lực; trong đó chú trọng phát triển công nghệ, đào tạo và sử dụng hiệu quả lao động, đẩy mạnh thị trường; từng bước chọn lọc đầu tư theo hướng công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp xanh.

          Kết hợp đồng bộ giữa kêu gọi đầu tư các tập đoàn đa quốc gia (nhằm xây dựng và phát triển chuỗi giá trị công nghiệp thượng nguồn - công nghiệp hỗ trợ - công nghiệp hạ nguồn, tạo lập thị trường, nâng cao hàm lượng công nghệ) với hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (nhằm tham gia hiệu quả vào từng lớp trong chuỗi giá trị công nghiệp và phát huy tính linh hoạt của các doanh nghiệp).

          Quá trình tái cơ cấu sản xuất kinh doanh khu vực công nghiệp đặt trọng tâm vào 2 chương trình chủ lực sau:

          1. Chương trình rà soát, điều chỉnh, tái cơ cấu, đẩy mạnh phát triển các khu, cụm công nghiệp.

          Mục tiêu là rà soát, đánh giá hiệu quả và tiến độ quá trình quy hoạch, giải tỏa – đền bù – thu hồi, xây dựng hạ tầng, kêu gọi đầu tư, tổ chức sản xuất kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp đã quy hoạch. Nhận định nguyên nhân và đề xuất giải pháp tháo gỡ các ách tắc, trì trệ hiện nay trong quá trình xây dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp.

            Đề xuất các khu, cụm công nghiệp trọng tâm cần tập trung giải quyết và các giải pháp chủ lực đối với các khu, cụm công nghiệp nêu trên. Đề xuất các giải pháp hỗ trợ nhằm thúc đẩy nhanh quá trình khởi động và lấp đầy các khu, cụm công nghiệp. Từng bước chuyên môn hóa (theo ngành hoặc nhóm ngành) và xác lập liên kết sản xuất đối với một số khu, cụm công nghiệp.

          2. Chương trình nâng cao hiệu quả sản xuất công nghiệp kết hợp phát triển các lĩnh vực chủ lực và công nghiệp hỗ trợ.

          Mục tiêu: Tăng tỷ lệ giá trị tăng thêm/giá trị sản xuất công nghiệp kết hợp với tăng qui mô sản xuất. Xác định các ngành mũi nhọn, chủ lực nhằm tập trung trọng tâm đầu tư và đẩy mạnh sản xuất. Phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm gia tăng hàm lượng công nghệ và tỷ lệ giá trị tăng thêm/giá trị sản xuất, chủ động nguyên liệu, phát triển đồng bộ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

          Một số chỉ tiêu:

          - Phấn đấu tỷ lệ giá trị tăng thêm/giá trị sản xuất đạt trên 25% vào năm 2020; tổng giá trị tăng thêm/cơ sở tăng gấp 2,0 – 2,5 lần so với năm 2013; trong TFP có trên 15% là do yếu tố công nghệ; ICOR khoảng 4,5.

          - Phấn đấu tỷ lệ công nghiệp hỗ trợ đạt trên 35% vào năm 2020 trong các lĩnh vực linh kiện, phụ tùng có liên quan đến cơ khí chế tác, nhựa kết hợp bao bì in, thiết bị điện và điện tử, đóng sửa tàu, phụ liệu và nguyên liệu may mặc – giày da. Xây dựng và phát triển tối thiểu 4 khu, cụm hoặc phân khu công nghiệp chuyên công nghiệp hỗ trợ.

          Tập trung phát triển các nhóm ngành chủ lực sau:

               + Nhóm ngành hàng chủ lực ưu tiên: Xay xát – lau bóng; Điện và thiết bị điện; Chế tác cơ khí; Nhựa và linh kiện nhựa; Công nghiệp hỗ trợ.

               + Nhóm ngành hàng xem xét phát triển có điều kiện: Đường; Thức ăn chăn nuôi – thủy sản; Đóng sửa tàu; Vật liệu xây dựng; Dệt may – giày da túi xách và phụ liệu, nguyên liệu; Chế biến gỗ và lâm sản; Hóa mỹ phẩm, dược phẩm; Sắt thép; Điện – điện tử; Rượu – bia – nước giải khát.

          Các giải pháp chủ yếu gồm:

          - Nâng cao tỷ lệ giá trị tăng thêm/giá trị sản xuất và phát triển các ngành hàng chủ lực: ưu tiên kêu gọi đầu tư các doanh nghiệp lớn về qui mô, công nghệ đối với các ngành hàng chủ lực và có khả năng đối tác với các vệ tinh doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đầu đàn có năng lực vừa đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, hợp nhất và điều phối một số khu, cụm công nghiệp, chủ động kêu gọi các cơ sở trong tập đoàn đầu tư sản xuất kinh doanh vào khu, cụm công nghiệp.

          Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giải quyết vấn đề tìm thị trường và hàng tồn kho. Vận dụng các chính sách để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng và hỗ trợ đầu tư. Hỗ trợ các doanh nghiệp về thẩm định, triển khai, đổi mới công nghệ, xây dựng bộ phận nghiên cứu & triển khai và vườn ươm công nghệ theo các chương trình phát triển khoa học công nghệ. Triển khai chọn lọc thu hút đầu tư công nghiệp theo tiêu chí công nghệ, môi trường từ năm 2015, thường xuyên tổ chức hậu kiểm về sản xuất kinh doanh và môi trường. Sắp xếp các doanh nghiệp phân tán hoặc phát triển theo tuyến dọc QL1.

          - Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Ưu tiên kêu gọi đầu tư các tập đoàn lắp ráp hoặc liên kết với các tập đoàn lắp ráp ngoài địa bàn sử dụng nhiều linh kiện, phụ tùng phù hợp với thế mạnh về công nghiệp hỗ trợ tại địa bàn (cơ khí chế tác, nhựa kết hợp bao bì – in, phụ liệu may mặc – giày da, cơ điện).

            Kêu gọi và bố trí đầu tư FDI vào các khu, phân khu công nghiệp phù hợp cấu trúc hệ thống công nghiệp hỗ trợ của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh về cơ hội và công nghệ nhằm phát triển thành vệ tinh liên kết trong các lớp sản xuất công nghiệp hỗ trợ của các tập đoàn lắp ráp lớn. Xây dựng các khu hoặc phân khu chuyên công nghiệp hỗ trợ trong các khu, cụm công nghiệp./.

Thái Chuyên

Thông báo
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1