image banner
Tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hóa chất trên địa bàn tỉnh Long An
Lượt xem: 116
Hoạt động sản xuất kinh doanh HC là ngành nghề có điều kiện, do đó trong thời gian qua, do đó việc đánh giá tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh HC là cần thiết.

Thực trạng quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh HC

Hoạt động cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cho các thương nhân sản xuất, kinh doanh HC: Kể từ ngày Nghị định số 113/2017/NĐ-CP và Thông tư số 32/2017/TT-BCT có hiệu lực thi hành đến nay, Sở Công Thương Long An đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cho 26 doanh nghiệp hoạt động HC, gồm: 03 doanh nghiệp sản xuất HC, 02 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh HC, 21 doanh nghiệp kinh HC.

Tình hình kiểm tra, giám sát hoạt động của thương nhân và xử lý vi phạm: Hàng năm Sở Công Thương Long An đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về lĩnh vực an toàn HC của các doanh nghiệp hoạt động HC trên địa bàn tỉnh. Từ 01/01/2018 đến nay, Sở Công Thương tiến hành thanh kiểm tra tại 54 cơ sở (bao gồm sản xuất, kinh doanh, sử dụng HC), trong đó có 15 cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn HC và đã bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 312.400.000 đồng.

Phối hợp với các Sở, ban, ngành tại địa phương trong hoạt động quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh HC: Sở Công Thương Long An thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường trong hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh HC nên đã giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh HC trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp.

Đánh giá tình khả thi của các chính sách pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh HC

Sự phù hợp của Luật HC với tình hình kinh tế, xã hội của cả nước và tại địa phương: Nhìn chung, Luật HC được ban hành, mặc dù đôi khi chưa theo kịp nhu cầu quản lý thực tế nhưng cơ bản đã góp phần kiểm soát tình hình hoạt động HC trên cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Long An nói riêng.

Nghị định số 113/2017/NĐ-CP và Thông tư số 32/2017/TT-BCT đã hướng dẫn chi tiết và cụ thể các quy định của Luật HC, qua đó đã giúp cho cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp triển khai và áp dụng Luật HC vào thực tế thuận lợi hơn, góp phần nâng cao tính khả thi của luật.

Tuy nghiên, hiện nay các quy định tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP và Thông tư số 32/2017/TT-BCT vẫn còn một số điểm chưa phù hợp, khiến cho cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp gặp khó khăn nhất định trong quá trình triển khai thực hiện, cụ thể:

+ Phụ lục I và Phụ lục II của Nghị định 113/2017/NĐ-CP còn có nhiều HC bị trùng lắp (trùng lấp trong cùng danh mục và trùng lấp giữa hai danh mục). Bên cạnh đó, có nhiều HC có mức độ nguy hiểm cao (như HNO3, NH3, P,...) trước đây thuộc danh mục HC sản xuất, kinh doanh có điều kiện (theo Phụ lục 1 của Thông tư số 28/2010/TT-BCT) nhưng hiện nay lại không thuộc Phụ lục I hoặc Phụ lục II của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP, vì vậy không kiểm soát được hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HC nguy hiểm nêu trên.

+ Hiện nay, công tác quản lý điều kiện an toàn của cơ sở sử dụng HC để sản xuất sản phẩm, hàng hóa khác được thực hiện theo quy định tại Điều 30, 31 của Luật HC. Các quy định trên là quy định chung, chưa được hướng dẫn cụ thể vì vậy cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc triển khai, áp dụng.

+ Nghị định số 113/2017/NĐ-CP đã quy định kiểm soát hoạt động mua bán HC hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (Điều 17), tuy nhiên quy định kiểm soát đối với HC sản xuất, kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, công tác quản lý, kiểm soát hoạt động kinh doanh HC sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp chưa được chặc chẽ, đặc biệt là đối với các tiền chất công nghiệp thuộc danh mục HC sản xuất kinh doanh có điều kiện.

+ Theo quy định hiện hành thì doanh nghiệp hoạt động HC phải xây dựng Kế hoạch hoặc Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố HC. Trường hợp không thuộc đối tượng xây dựng Kế hoạch thì doanh nghiệp phải xây dựng Biện pháp và ra quyết định ban hành Biện pháp (Điều 21 của Nghị định 113/2017/NĐ-CP), đồng thời gửi 01 bộ về Sở Công Thương địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở hoạt động (Khoản 2, Điều 5, Thông tư số 32/2018/TT-BCT). Quy định trên đã đề cao tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp, tuy nhiên, vì nhiều lý do, một số doanh nghiệp xây dựng Biện pháp với chất lượng nội dung chưa phù hợp với yêu cầu. Nhưng khi doanh nghiệp nộp Biện pháp về Sở Công Thương thì không có quy định Sở Công Thương có văn bản ý kiến về Biện pháp của doanh nghiệp. Vì vậy, công tác giám sát, quản lý Biện pháp của cơ quan quản lý tại địa phương không chặt chẽ, hiệu quả thực hiện Biện pháp không cao;…

Đánh giá mức độ tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh HC của các thương nhân trên địa bàn tỉnh:

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp hoạt động HC trên địa bàn tỉnh cơ bản đã triển khai, áp dụng tốt các quy định của pháp luật về an toàn HC. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về HC (điển hình là các doanh nghiệp vi phạm và vị xử lý như trong báo cáo nêu trên).

Các vi phạm chủ yếu của các doanh nghiệp là không xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố HC hoặc không thực hiện đúng nội dung trong Biện pháp đã ban hành hoặc đã được phê duyệt; không lập và lưu giữ phiếu kiểm soát mua, bán HC độc theo quy định; không bố trí biển báo nguy hiểm tại kho, nhà xưởng; không lưu giữ hồ sơ huấn luyện an toàn HC theo quy định,...

Nguyên nhân chủ quan của các vi phạm là do ý thức của doanh nghiệp chưa cao, chưa nghiêm túc trong quá trình triển khai, áp dụng các quy định của pháp luật về an toàn HC. Về khách quan, do thay đổi trong các quy định của pháp luật về an toàn HC nên doanh nghiệp chưa nắm bắt, cập nhật kịp thời để thực hiện (ví dụ như thay đổi về xác định HC độc phải lập phiếu kiểm soát mua, bán HC độc; lưu giữ hồ sơ huấn luyện an toàn hóa HC;...)

Khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực thi chính sách, pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh HC

Trong quá trình triển khai thực hiện Luật HC, Nghị định số 113/2017/BĐ-CP và Thông tư số 32/2017/TT-BCT trên địa bàn quản lý, Sở Công Thương Long An cũng như các doanh nghiệp hoạt động HC gặp một số khó khăn như sau:

- Tại Điểm c, Khoản 1, Điều 3 của Thông tư 32/2017/TT-BCT có quy định về nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận trong trường hợp vừa sản xuất, vừa kinh doanh HC. Tuy nhiên, tại Quyết định số 416/QĐ-BCT ngày 31/01/2018 của Bộ Công Thương (được đính chính bởi văn bản số 4619/BCT-HC ngày 11/6/2018 của Bộ Công Thương) đã không công bố thủ tục hành chính về sản xuất đồng thời kinh doanh HC. Vì vậy các doanh nghiệp sản xuất đồng thời kinh doanh HC gặp khó khăn khi nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận (phải nộp 02 bộ hồ sơ đề nghị cấp đủ điều kiện sản xuất và kinh doanh riêng, không nộp chung 01 bộ theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 3 của Thông tư 32/2017/TT-BCT).

- Tại phụ lục 7 của Thông tư 32/2017/TT-BCT đã hướng dẫn về việc phân loại HC chất theo Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn HC (GHS). Để xác định đặc tính nguy hiểm HC cũng như hỗn hợp chất (đặc biệt là xác định các đặc tính nguy hại vật lý) thì cần phải tiến hành thử nghiệm. Tuy nhiên hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động HC (nhất là các doanh nghiệp sản xuất HC) gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn vị được chỉ định hoặc có đủ chức năng tiến hành thử nghiệm để xác định đặc tính nguy hại của HC, hỗn hợp chất.

- Theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP thì Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khoảng cách an toàn. Tuy nhiên, đến nay quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khoảng cách an toàn vẫn chưa được ban hành, vì vậy doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thực hiện trách nhiệm thiết lập khoảng cách an toàn theo quy định tại Khoản 2, Điều 22 của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP.

- Hiện nay sau khi Thông tư số 42/2013/TT-BCT hết hiệu lực thi hành (được bãi bỏ bởi Thông tư số 49/2018/TT-BCT ngày 21/11/2018) thì không có quy định về quản lý, kiểm soát tiền chất công nghiệp trong quá trình sử dụng. Vì vậy Sở Công Thương và doanh nghiệp hoạt động HC gặp khó khăn trong quản lý, kiểm soát việc sử dụng tiền chất công nghiệp tại cơ sở.

- Tháng 8/2018, Bộ Công Thương đã có Thông báo số 211/TB-BCT về việc vận hành chính thức Hệ thống Cơ sở dữ liệu HC quốc gia. Tuy nhiên trong thông báo không hướng dẫn cụ thể cách thức để doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên hệ thống cơ sở dữ liệu HC quốc gia (Cục HC cũng đã tổ chức tập huấn tại Tp.HCM nhưng số lượng rất hạn chế). Vì vậy, Sở Công Thương và doanh nghiệp hoạt động HC gặp khó khăn trong việc triển khai, sử dụng Hệ thống Cơ sở dữ liệu HC quốc gia.

Đề xuất, kiến nghị những chính sách cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế

Nhằm góp phần nâng cao sự phù hợp, tính khả thi trong việc triển khai, áp dụng Luật HC và các văn bản hướng dẫn Luật HC, Sở Công Thương Long An có một số ý kiến đề xuất như sau:

- Rà soát, điều chỉnh danh mục HC tại Phụ lục I và Phụ lục II của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP tránh sự trùng lắp HC.

- Đề nghị xem xét, quy định quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh HC sản xuất, kinh doanh có điều kiện theo hướng phân loại theo nhóm HC nguy hiểm, không quản lý theo Danh mục HC nhằm tạo thuận lợi và không bỏ sót HC nguy hiểm trong quản lý.

- Ban hành quy chuẩn về điều kiện an toàn, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà xưởng, kho chứa HC chung áp dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng HC.

- Ban hành thủ tục hành chính đối với hoạt động sản xuất đồng thời kinh doanh HC. Đồng thời, đề nghị xem xét điều chỉnh quy định việc tiếp nhận hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh HC sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh xực công nghiệp theo hướng sẽ do Sở Công Thương nơi đặt kho chứa HC của doanh nghiệp thực hiện.

- Ban hành quy định về việc quản lý, kiểm soát tiền chất công nghiệp chặt chẽ hơn nhằm trách thất thoát trong quá tình sản xuất, kinh doanh, sử dụng tiền chất công nghiệp.

- Quy định trách nhiệm rà soát nội dung Biện pháp PNUPSC HC của Sở Công Thương khi tiếp nhận Biện pháp và quyết định ban hành Biện pháp của doanh nghiệp hoạt động HC.

- Rà soát, bãi bỏ quy định xây dựng Kế hoạch/Biện pháp PNUPSC HC đối với các doanh nghiệp kinh doanh khí.

- Chỉ định hoặc công bố đơn vị có đủ chức năng tiến hành thử nghiệm để xác định đặc tính nguy hại của HC, hỗn hợp chất hỗ trợ doanh nghiệp phân loại HC.

- Ban hành quy chuẩn chuẩn kỹ thuật quốc gia về khoảng cách an toàn đối với các cơ sở hoạt động HC.

- Hướng dẫn cụ thể cách thức để doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên hệ thống cơ sở dữ liệu HC quốc gia.

Nhìn chung, hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh Long An đa dạng với nhiều loại hình hoạt động và lĩnh vực hóa chất; thêm vào đó, số lượng cơ sở kinh doanh hóa chất và số lượng cơ sở sản xuất có sử dụng và tồn trữ hóa chất phát sinh ngày càng nhiều. Việc đảm bảo an toàn trong hoạt động hóa chất, việc phù hợp của pháp luật về thực tế sản xuất, kinh doanh HC là vấn đề quan tâm đặc biệt của tỉnh cũng như của cả nước.

Thúy Huỳnh

Thông báo
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1