image banner
Kết quả một số chỉ tiêu chủ yếu của ngành công thương tháng 7 nằm 2014
Lượt xem: 147

            Để chủ động nguyên liệu cho hoạt động sản xuất công nghiệp trước những căng thẳng về tình hình Biển Đông trong thời gian vừa qua, tránh việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương đã khuyến cáo và Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đã có công văn gửi các doanh nghiệp trong ngành chủ động tìm các thị trường tiềm năng khác để nhập khẩu nguyên phụ liệu. Các ngành da giày, điện tử và linh kiện điện tử cũng được khuyến cáo chủ động tìm các thị trường tiềm năng khác để tránh phụ thuộc.

            Trong bối cảnh khó khăn chung của tình hình kinh tế quốc tế và trong nước, nhưng với những cố gắng nỗ lực của cả phía các cơ quan quản lý nhà nước và đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp đã giúp cho hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An trong thời gian qua duy trì được mức tăng trưởng hợp lý. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của tỉnh Long An trong tháng 7/2014 ước tính tăng 1,73% so với tháng trước và tăng 13,53% so với cùng kỳ năm 2013; tính chung 7 tháng đầu năm 2014 tăng 13,51% so với cùng kỳ năm 2013.

            Về giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá năm 2010), tháng 7/2014 ước tính 8.344,8 tỷ đồng, tăng 2,9% so tháng trước và tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2014 là 54.454,7 tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành công nghiệp khai thác là 0,41 tỷ đồng, tăng 9%; công nghiệp chế biến là 53.839,7 tỷ đồng, tăng 16,1%; sản xuất tập trung và phân phối điện 412,4 tỷ đồng, tăng 11,8%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải là 202,1 tỷ đồng, tăng 14,5%.

            Nếu tính theo giá hiện hành, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7/2014 ước tính 10.735,8 tỷ đồng, tăng 5,9% so tháng trước và tăng 21,8% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng đầu năm 2014 là 68.464,7 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành công nghiệp khai thác là 0,73 tỷ đồng, tăng 25%; công nghiệp chế biến là 67.626,9 tỷ đồng, tăng 19,4%; sản xuất tập trung và phân phối điện, khí đốt là 564,7 tỷ đồng, tăng 31,1%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải là 272,3 tỷ đồng, tăng 19,1%.

            Qua 7 tháng đầu năm, một số sản phẩm sản xuất tăng như: nước khoáng tăng 39,6%; cá ngừ đóng hộp tăng 32,3%; giày thể thao tăng 28,6%; thức ăn gia súc tăng 27,8%; thức ăn gia cầm tăng 26,2%; thức ăn thủy sản tăng 22,5%; túi xách tăng 22,4%.... Tuy nhiên, vẫn có một số sản phẩm sản xuất giảm như: sản xuất men bánh mì giảm 35%; tấm lợp bằng kim loại giảm 28,9%; chế biến cá phi lê giảm 21,6%; sản xuất đường giảm 16,6%; sợi tơ tổng hợp giảm 15,2%....

            Trên lĩnh vực thương mại, thị trường hàng hóa ổn định, nguồn cung hàng hóa chất lượng được cải thiện tốt hơn trước. Tuy nhiên, do sức mua hồi phục chậm nên việc tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng, nguyên liệu phục vụ sản xuất chưa cao. Giá một số loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có xu hướng giảm. So với cùng kỳ năm trước, sức ép về tài chính của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa đã giảm nhiều (lãi suất huy động và cho vay đã giảm mạnh), lượng hàng tồn kho ở mức kiểm soát tốt hơn. Các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ phát triển ngày càng đa dạng, đồng bộ, theo hướng văn minh, hiện đại.

            Việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cùng với việc triển khai các Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020 đã góp phần giúp các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng; các chương trình xúc tiến thương mại nội địa ngày càng đi vào chiều sâu, đóng góp tích cực trong việc phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

            Do các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp theo dõi, bám sát diễn biến tình hình thị trường, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo các Nghị quyết của Chính phủ và thực hiện chủ động nắm tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa, đặc biệt là một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, nông sản, thủy sản, phân bón, sữa… đã góp phần tích cực không để xảy ra tình trạng đầu cơ găm hàng gây khan hàng sốt giá trên địa bàn tỉnh.

          Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội trên địa bàn tỉnh Long An trong tháng 7/2014 ước tính 3.409,1 tỷ đồng, tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 19,8% so với cùng kỳ; tính chung 7 tháng đầu năm 2014 ước tính 23.390,7 tỷ đồng, đạt 57,3% kế hoạch, tăng 19,3% so cùng kỳ năm trước.

            Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7/2014 tăng 0,57% so với tháng trước (trong đó hàng hóa tăng 0,76%, dịch vụ tăng 0,08%) và tăng 4,34% so với cùng kỳ năm trước. Ngoại trừ chỉ có nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,17%; còn lại 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ trong 11 nhóm cấu thành chỉ số giá tiêu dùng đều tăng giá so với tháng trước bao gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,99% (trong đó lương thực tăng 0,65%, thực phẩm tăng 1,41%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,04%); Giao thông tăng 0,57%; nhà ở, điện, nuớc, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,51%; May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,29%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,29%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,18%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,12%; Giáo dục tăng 0,11%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,76%. Riêng chỉ số giá vàng tăng 0,79% và chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,52%.

            Nếu so với tháng 12/2013, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2014 tăng 1,84% (hàng hóa tăng 0,76% và dịch vụ tăng 0,08%) và bình quân 7 tháng năm 2014 chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,88% so với cùng kỳ năm trước.

            Công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại được UBND tỉnh và Sở Công Thương quan tâm chỉ đạo sâu sát, tổ chức triển khai quyết liệt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực, mặt hàng như: thuốc lá ngoại nhập lậu, gia cầm, an toàn thực phẩm, phân bón, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, mũ bảo hiểm, xe đạp điện… và hoạt động kinh doanh tại các khu vực hội chợ trên địa bàn các huyện.

            Tính chung 7 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường của tỉnh đã tiến hành kiểm tra 1.537 vụ, xử lý 746 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách 2.957 triệu đồng, đạt 59,1% kế hoạch; trong đó vi phạm về buôn bán, vận chuyển hàng cấm 195 vụ; buôn bán, vận chuyển hàng lậu 11 vụ; gian lận thương mại 39 vụ; hàng giả và sở hữu trí tuệ 02 vụ; vi phạm về kinh doanh 437 vụ; vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm 62 vụ; thu giữ 123.890 gói thuốc lá ngoại nhập, 9.831 kg vải cuộn, 5 tấn hạt nhựa và nhiều hàng hóa, phương tiện vi phạm khác.

            Mặc dù kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh vẫn đạt kết quả tăng trưởng khá. Tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng của nhập khẩu, tiếp tục duy trì tình trạng xuất siêu.

            Tháng 7/2014, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước tính 275 triệu USD, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ; tính chung 7 tháng đầu năm ước tính 1.791,1 triệu USD, đạt 51,9% kế hoạch, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh nghiệp trong nước là 575,1 triệu USD, đạt 50% kế hoạch, tăng 4,7%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 1.216 triệu USD, đạt 52,9% kế hoạch, tăng 15,4%.

            Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu bao gồm: Gạo 393.256 tấn, với giá trị 189,2 triệu USD, đạt 56,2% kế hoạch, tăng 6,7% về lượng và tăng gần 1% về giá trị so với cùng kỳ; Hạt điều nhân 9.077 tấn, với giá trị 57,9 triệu USD, đạt 50,4% kế hoạch, tăng 17% về lượng và tăng 15,8% về giá trị; Thủy sản 79,5 triệu USD, đạt 49,7% kế hoạch, giảm 8%; Hàng may mặc 340,5 triệu USD, đạt 54% kế hoạch, tăng 18,4%; Giày dép 326,5 triệu USD, đạt 50,2% kế hoạch, giảm 2,7%.

            Kim ngạch nhập khẩu trong tháng 7/2014 ước tính 210,8 triệu USD, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 16,2% so với cùng kỳ; tính chung 7 tháng đầu năm ước tính 1.310,3 triệu USD, đạt 48,9% kế hoạch, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh nghiệp trong nước là 467,3 triệu USD, đạt 50,8% kế hoạch, giảm 0,9%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 844,2 triệu USD, đạt 48% kế hoạch, tăng 16,7%. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là thiết bị máy móc, phụ tùng, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất hàng tiêu dùng nội địa và xuất khẩu./.

Thái Chuyên

Thông báo
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1